NGND.PGS.TS Nguyễn Văn Dần
1. Mở đầu
Hòa chung với không khí sôi nổi thi đua kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Tài chính, toàn bộ viên chức khoa Kinh tế luôn nỗ lực cố gắng thi đua lập thành tích xuất sắc để xây dựng khoa Kinh tế nói riêng và Học viện Tài chính nói chung trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của đất nước.
Khoa Kinh tế được thành lập vào tháng 10/2012 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hiện nay khoa Kinh tế có 46 viên chức cơ hữu, trong đó có 03 PGS, 18 TS, 15 NCS-ThS, 10 ThS, đảm nhiệm việc giảng dạy các môn học do Học viện giao ở tất cả các hệ đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời quản lý ba chuyên ngành kinh tế: Kinh tế và Quản lý Nguồn lực tài chính, Kinh tế Đầu tư tài chính, và Kinh tế – Luật với 33 học phần/môn học.
2. Kết quả chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển khoa Kinh tế
2.1 Về cơ cấu tổ chức
Khoa Kinh tế học được thành lập vào tháng 10/2012 với hai bộ môn Kinh tế học (trước đó thuộc khoa Tài chính quốc tế) và bộ môn Kinh tế phát triển (thuộc khoa Quản trị Kinh doanh); đến năm 2014 khoa tiếp nhận thêm bộ môn Luật Kinh tế (thuộc khoa Tài chính công);
Cơ cấu tổ chức của khoa hiện nay gồm: Chi bộ, Ban chủ nhiệm khoa, các bộ môn, công đoàn khoa và liên chi đoàn khoa.
Các bộ môn trong khoa gồm: Kinh tế học, Kinh tế đầu tư tài chính, Luật kinh tế.
Các chuyên ngành trong khoa gồm: Một là, chuyên ngành: Kinh tế và Quản lý nguồn lực tài chính (mã chuyên ngành-61) do Bộ môn Kinh tế học đảm nhiệm; Hai là, chuyên ngành: Kinh tế đầu tư tài chính (mã chuyên ngành-62) do Bộ môn Kinh tế đầu tư tài chính đảm nhiệm; Ba là, chuyên ngành: Kinh tế-Luật (mã chuyên ngành-63) do Bộ môn Luật Kinh tế đảm nhiệm.
2.2 Về xây dựng chuyên ngành
Năm học 2013-2014 khoa chính thức tuyển sinh khoá đầu tiên (K51.61 và K51.62) với số lượng sinh viên cả hai chuyên ngành là 115 sinh viên. Năm học 2014-2015, khoa tuyển sinh khoá thứ hai với ba chuyên ngành: 61, 62, 63 với tổng sinh viên là 200. Từ khoá thứ ba đến nay mỗi năm khoa tuyển sinh bình quân khoảng 230 sinh viên. Như vậy, quy mô sinh viên của Khoa Kinh tế luôn ở mức 900 sinh viên.
Do yêu cầu phát triển của thị trường lao động, hội nhập quốc tế và thực tiễn quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành, lãnh đạo khoa Kinh tế đã đề nghị lãnh đạo Học viện, Hội đồng Khoa Học và đào tạo Học viện đổi tên chuyên ngành Kinh tế nguồn lực tài chính thành Kinh tế và Quản lý nguồn lực tài chính áp dụng từ khoá 58; Chuyên ngành Kinh tế đầu tư tài chính thành Kinh tế đầu tư (từ khoá 61). Hiện nay Bộ môn Luật Kinh tế đang chuẩn bị nguồn lực để thành lập ngành Luật.
2.3. Về phát triển đội ngũ giảng viên
Khi mới thành lập, số lượng cán bộ khoa học của khoa Kinh tế có 07 TS và 01 PGS; 10 Ths; 05 Học viên cao học.
Số giảng viên cơ hữu: Trong quá trình xây dựng và phát triển 10 năm qua khoa đã tạo điều kiện phát triển đội ngũ giảng viên của khoa: số lượng giảng viên cơ hữu bảo vệ thành công luận án tiến sỹ 17 người; số lượng PGS được bổ nhiệm 04 người. Tính đến nay trừ số lượng giảng viên chuyển công tác và nghỉ hưu thì số lượng giảng viên có học hàm, học vị: PGS là 03; TS là 18; và NCS.ThS là 15 và ThS là 10.
Số giảng viên kiêm chức và thỉnh giảng: 08 giảng viên, trong đó: 03 PGS và 05 TS.
Có thể nói rằng, lãnh đạo khoa luôn quan tâm đến phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ học vị cao nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện.
- Về hoạt động nghiên cứu khoa học
Từ khi thành lập khoa đến nay, lãnh đạo khoa luôn quan tâm sâu sắc đến công tác NCKH của giảng viên. Với mục tiêu xây dựng khoa Kinh tế bám sát và đuổi kịp sự phát triển của các khoa có bề dầy trong Học viện, lãnh đạo Khoa tập trung NCKH vào một số trọng tâm, đó là: (1) NCKH tập trung vào biên soạn giáo trình, bài giảng, sách hướng dẫn; (2) NCKH tập trung vào đề tài phục vụ công tác đào tạo và giảng dạy; (3) NCKH phục vụ đào tạo, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Kết quả 10 năm vừa qua tập thể giảng viên trong khoa Kinh tế đã hoàn thành:
Về đề tài các cấp:
– NCKH cấp nhà nước: thành viên chính của 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã hoàn thành và 05 đề tài đang thực hiện.
– NCKH Cấp bộ và tương đương:
Trước khi thành lập khoa, các giảng viên đã hoàn thành 11 đề tài NCKH cấp bộ và tương đương; từ 2013 đến nay giảng viên trong khoa đã hoàn thành 13 đề tài NCKH cấp bộ và tương đương;
– Đề tài NCKH cấp cơ sở: trước năm 2012 giảng viên trong khoa thực hiện được 8 đề tài NCKH cấp cơ sở; từ 2012 đến nay đã hoàn thành 150 đề tài đạt loại giỏi và xuất sắc.
Về giáo trình và sách chuyên khảo, tham khảo:
- Giáo trình: Các bộ môn trong khoa đã hoàn thành 10 giáo trình.
- Bài giảng gốc: hoàn thành 20 cuốn tài liệu học tập phục vụ đào tạo 3 chuyên ngành.
- Sách hướng dẫn: 10 cuốn.
- Sách chuyên khảo: xuất bản được 12 đầu sách, trong đó: chủ biên và tác giả: 7 cuốn.
- Sách tham khảo: xuất bản 20 đầu sách, trong đó: chủ biên và tác giả: 10 cuốn.
2.5. Công tác quản lý sinh viên
Lãnh đạo khoa kinh tế và các bộ môn chuyên ngành luôn quan tâm sát sao đến các sinh viên của khoa, theo dõi sinh viên theo nhiều kênh thông tin: Văn phòng khoa, bộ môn chuyên ngành, lớp, chi đoàn và gia đình.
– Về quy mô: Năm 2013, khoa đón tiếp sinh viên khoá đầu tiên với 120 sinh viên; đến nay mỗi năm khoa đón nhận khoảng 240 sinh viên; quy mô sinh viên của khoa ở mức trên 900 sinh viên.
– Về quản lý công tác NCKH sinh viên: luôn được lãnh đạo khoa và các giáo viên quan tâm. Hằng năm khoa luôn có khoảng trên 30 công trình NCKH sinh viên đạt giải cấp khoa, nhiều sinh viên đạt giải cấp Học viện; hằng năm khoa đều có công trình sinh viên NCKH gửi tham gia dự thi cấp Bộ và tương đương; nhiều sinh viên của khoa đã đạt được thành tích cao trong NCKH, cụ thể: đạt giải ba và giải khuyến khích cấp Bộ, đạt giải thưởng Eureka. Số lượng sinh viên tốt nghiệp được khen thưởng nghiên cứu khoa học toàn khoá luôn đứng đầu Học viện với tỷ lệ trong khoảng từ 23% đến 28%.
– Kết quả học tập và việc làm: Đến nay đã có 7 khoá sinh viên tốt nghiệp ra trường; 97% sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá trở lên trong đó số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc hằng năm đạt trong khoảng 45-50%, 98% sinh viên ra trường có việc làm sau một năm; 50% số sinh viên đi làm có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.
3. Thành tích đạt được
3.1. Về tập thể:
– Khoa Kinh tế hơn 10 năm xây dựng và phát triển đã luôn đạt được danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 4 lần được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
– Bộ môn Kinh tế học: Liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huân chương lao động Hạng nhì năm 2018.
– Bộ môn Kinh tế đầu tư tài chính: Liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.
– Bộ môn Luật Kinh tế: Liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 3 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3.2. Về cá nhân:
– Về danh hiệu thi đua: Các giảng viên giảng dậy ở Khoa Kinh tế tính đến nay đã có 02 giáo viên được phong tặng NGND; 03 giáo viên được phong tặng NGUT; 02 giáo viên được phong tặng chiến sỹ thi đua toàn quốc.
– Về hình thức thi đua: giảng viên khoa kinh tế có một đồng chí được tăng HCLĐ hạng nhì; 03 đồng chí được tăng HCLĐ Hạng ba; 06 lượt đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; cùng nhiều lượt đồng chí được Bộ trưởng BTC tặng bằng khen.
– Khen thưởng về Đảng: Có 4 lượt đồng chí được Đảng uỷ Khối các Cơ quan Trung ương tặng Bằng khen;
– Khen thưởng công đoàn: 02 đồng chí được Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng bằng khen.
4. Quan điểm và Định hướng xây dựng và phát triển của khoa kinh tế trong 10 năm tới
4.1. Quan điểm
Thứ nhất, phát huy truyền thống xây dựng và phát triển 60 năm Học viện Tài chính; toàn thể giảng viên trong khoa luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Hội Đồng trường, Ban Giám đốc; phát huy điểm mạnh, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để xây dựng khoa ngày càng phát triển.
Thứ hai, xác định rõ con người là chìa khoá của thành công, để có chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên vừa hồng vừa chuyên. Đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao thực hiện nhiệm vụ đào tạo và NCKH chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập trong điều kiện CMCN 4.0.
Thứ ba, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo ngành Kinh tế gắn lý luận với thực tiễn; xây dựng hệ thống học liệu phong phú và chất lượng cao theo hướng nâng cao năng lực tư duy và năng lực thực tiễn của sinh viên.
Thứ tư, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng hợp tác giữa ba nhà: Nhà giáo, Nhà nghiên cứu và nhà quản lý để hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và NCKH của khoa.
Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của khoa. Hằng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của giảng viên trên cơ sở hai tiêu chí là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học được dùng để bình xét thi đua năm học theo các danh hiệu và hình thức khen thưởng theo quy định.
4.2 Định hướng xây dựng và phát triển khoa Kinh tế 10 năm tới
Về mô hình và cơ cấu tổ chức khoa:
Cơ cấu tổ chức của khoa: Bám sát chiến lược chung về xây dựng và phát triển HVTC; xây dựng khoa Kinh tế thành Viện đào tạo Kinh tế tài chính với chức năng vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học. Trong đó, bao gồm các bộ môn và phòng chức năng.
Về phát triển đội ngũ:
Với mục tiêu xây dựng khoa trở thành một đơn vị đào tạo chất lượng cao trong Học viện đòi hỏi khoa cần quan tâm hơn nữa đến năng lực khoa học và giảng dạy của giảng viên; do vậy, trong thời gian tới cần tập trung xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học có học hàm, học vị có tỷ lệ cao, phấn đấu đến năm 2033 số lượng PGS và TS chiếm khoảng 70% tổng số giảng viên toàn khoa. Số lượng giảng viên trong khoa có thể giảng dạy được bằng tiếng anh chiếm khoảng 30%.
Về hoạt động đào tạo:
Luôn rà soát và đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và hội nhập quốc tế. Chuẩn bị chương trình đào tạo chất lượng cao cho các chuyên ngành kinh tế; nâng tỷ lệ số học phần/môn học giảng bằng tiếng anh trong chương trình đào tạo. Thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học:
Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo kinh tế hàng đầu đất nước; NCKH là quan tâm đặc biệt của HVTC nói chung và khoa Kinh tế nói riêng. Bám sát chiến lược NCKH của Bộ Tài chính, của Học viện và của các cơ quan Ban, ngành của trung ương và địa phương. Tập trung biên soạn giáo trình giảng dạy, phấn đấu đến năm 2033 100% các học phần môn học có giáo trình; các giảng viên của khoa tham gia các đề tài NCKH các cấp, phấn đấu khoảng 10% số giảng viên trong khoa tham gia các đề tài NCKH cấp Bộ và cấp Nhà nước; phấn đấu mỗi năm khoa xuất bản được 5 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo và sách hướng dẫn. Phấn đấu xã hội hoá một phần hoạt động khoa học. Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để xuất bản các bài báo có uy tín trên thế giới.
Các hoạt động khác:
Phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị trong khoa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; gắn các hoạt động của các tổ chức chính trị với các nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và học tập của thầy trò trong khoa;
Gắn kết hoạt động của sinh viên với tổ chức chi đoàn, liên chi đoàn; thông qua mô hình các câu lạc bộ, đặc biệt là các câu lạc bộ kỹ năng; các cuộc thi học thuật.
Tăng cường hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các trường đại học trong và ngoài nước.
Quản lý tốt hoạt động sinh viên: phấn đấu sinh viên tốt nghiệp đạt khoá trở lên đạt 98%, trong đó đạt loại giỏi và xuất sắc khoảng 45-50%; số lượng sinh viên ra trường sau một năm tỷ lệ có việc làm đạt 98%.