Bộ môn Quản lý Tài chính công 60 năm xây dựng và phát triển

TS. Bùi Tiến Hanh
TS. Phạm Thị Hoàng Phương
Bộ môn Quản lý tài chính công

Bộ môn Quản lý tài chính công là một Bộ môn chuyên ngành thuộc Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính. Hành trình xây dựng và phát triển Bộ môn Quản lý tài chính công gắn liền với chặng đường 60 xây dựng và phát triển Học viện Tài chính – một trong những cơ sở giáo dục đại học danh giá, cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH về Kinh tế, Tài chính – Kế toán chất lượng cao cho xã hội ở Việt Nam và trong khu vực. Chặng đường 60 qua, Bộ môn Quản lý tài chính công có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ, đào tạo và NCKH chuyên ngành đóng góp to lớn vào sự phát triển sự nghiệp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, tài chính – kế toán cho đất nước của Học viện Tài chính.

1. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1.1. Giai đoạn 1963 – 1970

Tiền thân của Bộ môn Quản lý tài chính công, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính ngày nay là Tổ Ngân sách nhà nước thuộc Khoa Ngân sách được thành lập ngay từ ngày đầu thành lập Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Trung ương năm 19631 (sau đó đổi tên thành Trường Cán bộ Tài chính, Kế toán – Ngân hàng Trung ương năm 1964), trụ sở tại xã Cổ Nhuế – Từ Liêm – Hà Nội. Cuối năm 1965 chiến dịch đánh phá Miền Bắc của đế quốc Mỹ vào giai đoạn ác liệt, Trường Cán bộ Tài chính, Kế toán – Ngân hàng Trung ương sơ tán lên xã Lãng Công, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó có Tổ Ngân sách nhà nước thuộc Khoa Ngân sách.

Thầy và trò tại nơi sơ tán xã Lãng Công, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Tổ Ngân sách nhà nước đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy 02 môn học: Ngân sách nhà nước; Kế toán ngân sách nhà nước.

Những thầy giáo đầu tiên của Tổ Ngân sách Nhà nước có: thầy Phạm Văn Doanh; thầy Đặng Vũ Quang Huyễn; thầy Trần Trợ; thầy Lê Quang Trương; thầy Hà Kỳ; thầy Huỳnh Hữu Thiện; thầy Phan Huynh; thầy Lê Văn Hảo; thầy Lê Văn Chắt; thầy Nguyễn Hữu Diên. Thầy Phạm Văn Doanh, nguyên Phó ty Tài chính Hải Dương, giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ Ngân sách nhà nước (1963 – 1970) – Người đặt nền móng đầu tiên hình thành và phát triển Tổ Ngân sách nhà nước (nay là Bộ môn Quản lý tài chính công).

Trong giai đoạn này, dưới làn bom đạn chiến tranh phá hoại Miền Bắc và tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, phòng học nửa nổi nửa chìm, lán trại lún sâu trong rừng rậm với ngọn đèn dầu leo lét… nhưng những người Thầy đặt nền móng cho Bộ môn với nghị lực phi thường đã sát cánh bên nhau, lao tâm, khổ trí nhặt từng con chữ biên soạn từng trang giáo án đầu tiên để tẩm bổ tri thức cho các thế hệ sinh viên và đã cho ra lò khóa học viên tốt nghiệp đầu tiên vào tháng 11 năm 1967.

1.2. Giai đoạn 1971 – 1975

Giai đoạn này Tổ Ngân sách nhà nước phát triển thành Bộ môn Ngân sách nhà nước; thầy Phạm Văn Doanh được Lãnh đạo Bộ Tài chính điều động về công tác tại Vụ Cân đối, Bộ Tài chính, theo đó Thầy Hà Kỳ giữ chức vụ Trưởng Bộ môn (1971 – 1975).

Bộ môn Ngân sách nhà nước có nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy 02 môn học: Ngân sách nhà nước; Kế toán ngân sách nhà nước. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ NCKH và giảng dạy, giảng viên Bộ môn còn tham gia lao động xây dựng cơ sở mới tại Phúc Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội để từng bước chuyển Trường từ xã Lãng Công, huyện Lập Thạch về Phúc Yên sau khi chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đế quốc Mỹ chấm dứt.

Thành quả rõ nhất của Bộ môn trong giai đoạn này là đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực quản lý tài chính – ngân sách có trình độ đại học; trung bình mỗi năm khoảng gần 100 sinh viên tốt nghiệp.

1.3. Giai đoạn 1976 – 1985

Năm 1976, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh và từng bước xây dựng cơ sở vật chất hướng tới mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội được ưu tiên hàng đầu. Theo định hướng đó, đòi hỏi ngành tài chính cũng phải phát triển đào tạo nhân lực quản lý tài chính đáp ứng nhu cầu của đất nước. Cơ sở II của Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập. Nhân lực nòng cốt để thành lập cơ sở II của Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương được Lãnh đạo Bộ Tài chính điều động từ cơ sở I vào, trong đó có các giảng viên của Bộ môn Ngân sách nhà nước. Ngày 27 tháng 10 năm 1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 426/CP về việc thành lập Trường Đại học Tài chính – Kế toán trực thuộc Bộ Tài chính thay cho tên gọi Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương trước đó. Bộ môn Ngân sách nhà nước thuộc Khoa Tài chính – Ngân sách vẫn là một trong những Bộ môn nòng cốt của Trường Đại học Tài chính – Kế toán, tiếp tục nghiên cứu giảng dạy 02 môn học: Ngân sách nhà nước và Kế toán ngân sách nhà nước, tại cơ sở I – Phúc Yên; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho nhu cầu giảng dạy của cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giảng viên Bộ môn tại thị trấn Phúc Yên, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc năm 1982

Trong giai đoạn này, thầy Trần Trợ giữ chức vụ Trưởng Bộ môn (1976-1985); thầy Đặng Vũ Quang Huyễn giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn từ năm 1984. Đội ngũ giảng viên của Bộ môn có: thầy Trần Trợ, thầy Đặng Vũ Quang Huyễn; thầy Lê Văn Hảo; thầy Phan Duy Minh (1978); cô Nguyễn Thị Nga (1980); thầy Đỗ Đình Côn (1981); cô Dương Thị Ninh (1982); cô Vũ Thị Mai (1983); thầy Đặng Văn Du (1985).

1.3. Giai đoạn 1986 – 1994

Giai đoạn 1986 – 1991, Bộ môn Ngân sách nhà nước và Bộ môn Thu quốc doanh và Thuế được sáp nhập thành Bộ môn Ngân sách nhà nước thuộc Khoa Tài chính ngân sách. Thầy, cô Bộ môn Thu quốc doanh và Thuế có: thầy Huỳnh Năm, thầy Lê Văn Ái, thầy Đặng Quốc Tuyến, thầy Đỗ Đức Minh, thầy Nguyễn Văn Túc.

Thầy Đặng Vũ Quang Huyễn giữ chức vụ Trưởng Bộ môn, trực tiếp phụ trách nhóm môn học Ngân sách nhà nước và Kế toán ngân sách nhà nước. Thầy Đặng Quốc Tuyến giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn, trực tiếp phụ trách nhóm môn học Thu quốc doanh và thuế. Thầy Nguyễn Văn Túc giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn năm 1988. Đội ngũ giảng viên Bộ môn Ngân sách nhà nước: thầy Đặng Vũ Quang Huyễn, thầy Đặng Quốc Tuyến, thầy Phan Duy Minh; cô Nguyễn Thị Nga; thầy Đỗ Đình Côn; cô Dương Thị Ninh; cô Vũ Thị Mai; thầy Đặng Văn Du, thầy Huỳnh Năm, thầy Lê Văn Ái, thầy Đỗ Đức Minh, thầy Nguyễn Văn Túc, thầy Nguyễn Quang Khắc; thầy Nguyễn Việt Cường; thầy Nguyễn Văn Hiệu; thầy Vũ Quốc Ngữ; cô Nguyễn Thanh Hương…

Trong giai đoạn này, nhu cầu đào tạo cán bộ tài chính trình độ đại học tăng cao nên ngoài các hệ tập chính quy tập trung tại trường, còn có hệ đại học tại chức. Trung bình hằng năm Bộ môn đào tạo khoảng 120 sinh viên các hệ tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý tài chính ngân sách của đất nước. Nhiệm vụ đào tạo của Bộ môn không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, mà còn hỗ trợ đào tạo cho 02 nước láng giềng là Lào và Campuchia: thầy Đặng Vũ Quang Huyễn tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Kinh tế Dong Kham Xang – Viên Chăn, CHDCND Lào, năm 1987; thầy Trần Trợ và thầy Đặng Văn Du tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Phnom penh, Camphuchia, năm 1988.

Ngày 15/10/1988 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 155-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Bộ Tài chính. Theo đó Trường Đại học Tài chính – Kế toán đổi tên thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội; cơ sở 2 của Trường Đại học Tài chính – Kế toán tại TP. Hồ Chí Minh trở thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán TP. Hồ Chí Minh.

Công cuộc đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế của đất nước đã tác động mạnh đến sự hình thành các chuyên ngành mới của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội. Năm 1992, lãnh đạo Trường đã quyết định thành lập Chuyên ngành Thuế nhà nước và phần lớn giảng viên của Bộ môn Ngân sách nhà nước được điều động sang Bộ môn Thuế nhà nước; theo đó đội ngũ giảng viên Bộ môn Ngân sách nhà nước gồm: thầy Đặng Văn Du giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn; thầy Đỗ Đức Minh đang du học và làm luận án tiến sĩ kinh tế tại Nga; cô Dương Thị Ninh.

Tháng 10 năm 1994, Bộ môn Ngân sách nhà nước hợp nhất với Tổ giảng viên Quản lý Kho bạc nhà nước và Tổ giảng viên Cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ môn Tiền tệ tín dụng thuộc Khoa Tài chính ngành và giảng viên thuộc Bộ môn Lý thuyết tài chính hình thành nên Bộ môn Tài chính tổng hợp2 thuộc Khoa Tài chính nhà nước3. Thầy Dương Đăng Chinh giữ chức vụ Trưởng Bộ môn; giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn là thầy Phạm Văn Khoan và thầy Đặng Văn Du.

Nhiệm vụ nhóm giảng viên chuyên ngành của Bộ môn là NCKH và giảng dạy 06 môn học đối với sinh viên các hệ thuộc chuyên ngành Ngân sách nhà nước và chuyên ngành Quản lý Kho bạc nhà nước: Ngân sách nhà nước; Kế toán ngân sách; Quản lý Kho bạc nhà nước; Kế toán ngân sách và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước; Cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Kinh tế công cộng.

1.4. Giai đoạn 1995 – 2012

Theo Quyết định số 29/QĐ-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1995, Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước thuộc Khoa Tài chính nhà nước được thành lập trên cơ sở Bộ môn Tài chính tổng hợp.

Thầy Phạm Văn Khoan giữ chức vụ Trưởng Bộ môn (1995 – 2012); giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn có: thầy Đặng Văn Du (1995 – 2005), thầy Phạm Văn Liên (1998 – 1999)  và cô Hoàng Thị Thúy Nguyệt (2006 – 2012). Đội ngũ giảng viên của Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước gồm: thầy Phạm Văn Khoan; thầy Đặng Văn Du; cô Dương Thị Ninh; thầy Phạm Văn Liên; cô Hoàng Thị Thúy Nguyệt; cô Quách Thị Hồng Liên; cô Nguyễn Thị Minh Thoa; thầy Bùi Tiến Hanh; thầy Nguyễn Trọng Thản; thầy Đinh Trọng Thịnh; thầy Đỗ Đức Minh.

Cựu sinh viên Khóa 22 tri ân Thầy, Cô giáo Bộ môn năm 1998 nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Trường

Cuối năm 1996 lãnh đạo nhà trường thực hiện chủ trương đào tạo theo chuyên ngành rộng, nên các môn học thuộc phạm vi chuyên ngành Ngân sách nhà nước và chuyên ngành Quản lý Kho bạc nhà nước được hợp nhất thành 02 môn học: Quản lý tài chính nhà nước; Kế toán tài chính nhà nước.

Bộ môn tri ân cựu Thầy, Cô giáo năm 2008 nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Trường

Thành công lớn nhất của Bộ môn trong giai đoạn này là hoàn thành biên soạn một khối lượng lớn giáo trình, bài giảng gốc, hệ thống câu hỏi và bài tập, sách tham khảo được viết mới và tái bản mang tính tổng hợp các vấn đề lý thuyết và cập nhật các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có tính thực tiễn về lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán ngân sách nhà nước. Các giáo trình được biên soạn lần đầu nhằm đáp ứng chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý tài chính nhà nước tiêu biểu gồm: Giáo trình Quản lý tài chính nhà nước, NXB Tài chính, năm 2000, đồng chủ biên GS,TS. Hồ Xuân Phương và PGS,TS. Lê Văn Ái; Giáo trình Kế toán tài chính nhà nước, NXB Tài chính, năm 2000, chủ biên TS. Phạm Văn Khoan; Giáo trình Kế toán hành chính sự nghiệp, NXB Tài chính, năm 2004, chủ biên ThS. Phạm Văn Liên; Giáo trình Quản lý tài chính công, NXB Tài chính, năm 2005, đồng chủ biên PGS,TS. Dương Đăng Chinh và TS. Phạm Văn Khoan; Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Tài chính, năm 2005, đồng chủ biên TS. Đặng Văn Du và ThS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục đại học của đất nước, từ năm 2008 Học viện Tài chính thực hiện chủ trương chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo tín chỉ. Theo đó, Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước tổ chức biên soạn lại các giáo trình, bài giảng gốc, bài tập các học phần, môn học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình đào tạo mới đối với chuyên ngành Quản lý tài chính nhà nước. Các giáo trình được biên soạn và xuất bản mới gồm: Giáo trình Lý thuyết quản lý tài chính công, NXB Tài chính, năm 2010, đồng chủ biên TS. Phạm Văn Khoan và TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt; Giáo trình Quản lý thu ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2010, đồng chủ biên PGS,TS. Lê Văn Ái và TS Bùi Tiến Hanh; Giáo trình Quản lý chi ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2010, đồng chủ biên TS. Đặng Văn Du và TS. Bùi Tiến Hanh; Giáo trình Quản lý tài chính các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công, NXB Tài chính, năm 2010, đồng chủ biên TS. Phạm Văn Khoan và TS. Nguyễn Trọng Thản; Giáo trình Kế toán ngân sách và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước, NXB Tài chính, năm 2010, chủ biên TS. Phạm Văn Liên; Giáo trình Quản lý tài chính xã, NXB Tài chính, năm 2012, do PGS,TS. Đặng Văn Du và TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt đồng chủ biên.

Gắn với hoạt động chuyên môn, lãnh đạo Bộ môn luôn quan tâm đến phát triển đội ngũ nhằm trẻ hóa tuổi đời đội ngũ giảng viên và đón bắt các cơ hội nâng cao trình độ về mọi mặt cho các giảng viên Bộ môn. Thực hiện mục tiêu đó, Bộ môn đã thường xuyên tiếp nhận giảng viên mới về tham gia nghiên cứu, giảng dạy theo quyết định của Trường: cô Đào Thị Bích Hạnh (1996); cô Lê Thị Thanh Hà (1996 – 1998); thầy Ngô Thanh Hoàng (2006); cô Võ Thị Phương Lan (2000); cô Phạm Thị Hoàng Phương (2008); cô Phạm Thu Huyền (2008); thầy Phạm Thanh Hà (2009); cô Hy Thị Hải Yến (2011); cô Ngô Thị Thùy Quyên (2011); cô Phạm Thị Lan Anh (2012).

1.5. Giai đoạn 2012 – 2018

Cuối năm 2012, chuyên ngành Kế toán công được thành theo Quyết định số 350/QĐ-HVTC ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Giám đốc Học viện Tài chính, theo đó Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước được tách thành 02 bộ môn: Bộ môn Quản lý tài chính công và Bộ môn Kế toán công. Thầy, cô được điều động sang Bộ môn Kế toán công gồm: thầy Ngô Thanh Hoàng; cô Võ Thị Phương Lan; cô Phạm Thu Huyền; cô Hy Thị Hải Yến; cô Ngô Thị Thùy Quyên.

Bộ môn Quản lý tài chính công và Bộ môn Kế toán công năm 2012

Thầy Phạm Văn Khoan nhận Quyết định nghỉ hưu tháng 10 năm 2012

Tháng 10 năm 2012, thầy Phạm Văn Khoan được trao Quyết định nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Tháng 11/2012, theo Quyết định số 1050/QĐ-HVTC ngày 01/11/2012 và Quyết định số 1051/QĐ-HVTC ngày 01/11/2012 về việc bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo của Giám đốc Học viện, lãnh đạo Bộ môn Quản lý tài chính công bao gồm: cô Hoàng Thị Thúy Nguyệt giữ chức vụ Trưởng Bộ môn (11/2012 – 04/2018); thầy Bùi Tiến Hanh giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn (11/2012 – 05/2018).

Lễ trao Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Bộ môn Quản lý tài chính công tháng 11 năm 2012

Giảng viên Bộ môn Quản lý tài chính công năm 2014

Trong giai đoạn này, cùng với quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ; theo đó, chuyên ngành Quản lý tài chính nhà nước được đổi tên thành chuyên ngành Quản lý tài chính công. Các môn học, học phần chuyên ngành thuộc Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý tài chính công được kết cấu lại thành các môn học, học phần đào tạo theo hình thức tín chỉ bao gồm: Lý thuyết quản lý Tài chính công; Quản lý thu ngân sách; Quản lý chi ngân sách; Quản lý tài chính các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công; Quản lý tài chính xã, phường, thị trấn; Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Quản lý tài chính công; Public Finance Management.

1.6. Giai đoạn 2018 – 2023

Tháng 5 năm 2018, cô Hoàng Thị Thúy Nguyệt thôi giữ chức vụ lãnh đạo, tiếp tục kéo dài thời gian tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học với tư cách là giảng viên cơ hữu của Bộ môn. Tháng 6 năm 2018, theo Quyết định số 643/QĐ-HVTC ngày 07/06/2018, Quyết định số 644/QĐ-HVTC ngày 07/06/2018 và Quyết định số 645/QĐ-HVTC ngày 07/06/2018 của Giám đốc Học viện Tài chính, thầy Bùi Tiến Hanh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Bộ môn, cô Phạm Thị Hoàng Phương và cô Đào Thị Bích Hạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo Phó trưởng Bộ môn.

Lễ trao Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Bộ môn Quản lý tài chính công tháng 6 năm 2018

Bộ môn gặp mặt Cựu giảng viên Bộ môn năm 2018 nhân kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính

Tháng 7 năm 2020, cô Đào Thị Bích Hạnh thôi công tác tại Bộ môn để chuyển sang công tác Học viện Chính sách và phát triển. Tháng 7 năm 2022, thầy Phạm Thanh Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn theo Quyết định số 531/QĐ-HVTC ngày 21/06/2022, của Giám đốc Học viện Tài chính.

Hội nghị triển khai Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Bộ môn Quản lý tài chính công tháng 7 năm 2022

Đội ngũ giảng viên Bộ môn trong giai đoạn này gồm: TS. Bùi Tiến Hanh; TS. Phạm Thị Hoàng Phương; TS. Đào Thị Bích Hạnh (2018 – 2020); ThS. Phạm Thanh Hà; TS. Phạm Thị Lan Anh; TS. Phạm Văn Hào; TS. Phùng Thu Hà (Từ tháng 7/2020); TS. Phạm Thu Trang (Từ tháng 4/2023); ThS. Đặng Văn Duy; PGS,TS. Phạm Văn Liên; PGS,TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt; TS. Nguyễn Thị Lan (Nghỉ hưu tháng 4/2021); PGS,TS. Nguyễn Trọng Thản; TS. Nguyễn Thị Thúy Nga (Từ 12/2018); TS. Nguyễn Văn Bình (từ 2023); PGS,TS. Nguyễn Trường Giang; TS. Lê Thế Tuyên (2021).

Tháng 4 năm 2023, thầy Bùi Tiến Hanh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Khoa Tài chính công theo Quyết định số 416/QĐ-HVTC ngày 12/04/2023, của Giám đốc Học viện Tài chính; đồng thời được Giám đốc Học viện giao nhiệm vụ phụ trách Bộ môn Quản lý tài chính công theo Thông báo số 427/TB-HVTC ngày 14/3/2023. Theo đó lãnh đạo Bộ môn từ tháng 4 năm 2023 bao gồm: TS. Bùi Tiến Hanh giữ chức vụ Trưởng Khoa Tài chính công, kiêm phụ trách Bộ môn; TS. Phạm Thị Hoàng Phương và ThS. Phạm Thanh Hà giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn.

Hội nghị triển khai Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Khoa Tài chính công và giao nhiệm vụ phụ trách Bộ môn Quản lý tài chính công tháng 4 năm 2023

Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2023, đội ngũ giảng viên Bộ môn Quản lý tài chính công, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cụ thể như sau:

  1. TS. Bùi Tiến Hanh: Trưởng khoa, Phụ trách Bộ môn
  2. TS Phạm Thị Hoàng Phương: Phó trưởng Bộ môn
  3. ThS. Phạm Thanh Hà: Phó trưởng Bộ môn
  4. TS. Phạm Thị Lan Anh
  5. TS. Phạm Văn Hào
  6. TS. Phùng Thu Hà
  7. TS. Phạm Thu Trang
  8. ThS. Đặng Văn Duy
  9. TS. Phạm Văn Bình: Phó Giám đốc Học viện, giảng viên kiêm chức
  10. PGS.TS. Nguyễn Trọng Thản: Trưởng Khoa SĐH, giảng viên kiêm chức
  11. TS. Nguyễn Thị Thúy Nga: Phó trưởng Ban QLKH, giảng viên kiêm chức
  12. PGS.TS. Phạm Văn Liên
  13. PGS.TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt
  14. PGS.TS. Nguyễn Trường Giang: Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính, giảng viên thỉnh giảng
  15. TS. Lê Thế Tuyên: Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Tài chính, giảng viên thỉnh giảng.

2. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Suốt chặng đường 60 năm qua, Bộ môn Quản lý tài chính công đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho ngành tài chính và cho đất nước của Học viện Tài chính (tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Trung ương).

Về đào tạo, Bộ môn đã và đang giảng dạy các môn học nghiệp vụ chuyên ngành về Quản lý tài chính công cho hơn 6.000 sinh viên đại học các khóa chuyên ngành Quản lý tài chính công; tham gia đào tạo và bồi dưỡng hàng nghìn chủ tài khoản, kế toán trưởng, cán bộ quản lý tài chính và kế toán của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công, cán bộ chuyên môn quản lý tài chính và kế toán của các cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp; chuyên gia tư vấn chuyên môn về quản lý tài chính công cho các Bộ và cơ quan trung ương (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đàu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội,,,), các cấp chính quyền địa phương và nhiều tổ chức quốc tế. Đối với đào tạo sau đại học, Bộ môn đảm nhận biên soạn tài liệu và giảng dạy môn học Quản lý tài chính công thuộc Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng của Học viện; các môn học Quản lý tài chính công, Quản lý tài chính các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, Quản lý tài sản công, Quản trị tài chính đơn vị cung cấp dịch vụ công và Quản lý dự án đầu tư thuộc Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Chuyên ngành Tài chính – Ngân Hàng, Chuyên ngành Quản lý kinh tế và Chuyên ngành Kế toán… của Học viện. Tính đến năm 2023, giảng viên của Bộ môn đã hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công hàng trăm luận văn thạc sỹ kinh tế; Bộ môn tham gia quản lý sinh hoạt chuyên môn, hướng dẫn gần 100 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kinh tế. Hàng năm, thường xuyên có trên 30 NCS tham gia sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn.

Bộ môn gặp mặt CBHDKH và NCS sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn Tháng 11/2022

Về NCKH, chặng đường 60 xây dựng và phát triển, Bộ môn đặc biệt chú trọng công tác NCKH như biên soạn hệ thống bài giảng gốc, giáo trình, sách tham khảo và thực hiện các đề tài NCKH các cấp phục vụ các chương trình đào tạo của Học viện Tài chính và phục vụ hoạch định chính sách của Nhà nước.

Giảng viên Bộ môn tham gia Hội thảo khoa học Khoa Tài chính công tháng 10/2021

Tài liệu phục vụ đào tạo điển hình do Bộ môn chủ trì biên soạn mới và tái bản phục vụ cho đào tạo đại học và sau đại học của Học viện Tài chính cụ thể như sau: 1) Giáo trình Quản lý tài chính nhà nước, NXB Tài chính, năm 2000; 2) Giáo trình Quản lý tài chính công, NXB Tài chính, xuất bản mới và tái bản trong các năm 2005, 2007, 2009 và 2016; 3) Giáo trình Lý thuyết quản lý tài chính công, NXB Tài chính, năm 2010 và năm 2016; 4) Hệ thống câu hỏi và bài tập quản lý tài chính công, NXB Tài chính, năm 2011; 5) Giáo trình Quản lý thu ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2010 và năm 2017; 6) Giáo trình Quản lý chi ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2010 và năm 2018; 7) Giáo trình Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng nguồn vốn ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2015; 8) Giáo trình Public finance management, NXB Tài chính, năm 2010 và 2016; 9) Giáo trình Quản trị tài chính đơn vị cung cấp dịch vụ công, NXB Tài chính, năm 2019; 10) Sách Hướng dẫn ôn tập môn học Quản lý tài chính công, NXB Tài chính, năm 2020; 11) Sách Hướng dẫn ôn tập môn học Quản lý chi ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2022; 12) Sách Hướng dẫn ôn tập môn học Quản lý thu ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, năm 2023…

Số lượng đề tài NCKH các cấp và các bài báo khoa học do giảng viên của Bộ môn chủ trì và tham gia ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, phục vụ hữu ích cho việc hoạch định chính sách của ngành tài chính và của Nhà nước. Trong 10 năm 2013 – 2023, giảng viên của Bộ môn đã chủ trì và tham gia nghiên cứu thành công 01 đề tài và 06 đề tài nhánh cấp Nhà nước; 26 đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương; 20 đề tài cấp Học viện và gần 200 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể giảng viên Bộ môn, sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám đốc Học viện, sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các Ban, Khoa, Trung tâm, các Bộ môn trong toàn Học viện đã và đang thúc đẩy sự phát triển không ngừng của Bộ môn Quản lý tài chính công trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện Tài chính.

3. THÀNH TÍCH THI ĐUA VÀ KHEN THƯỞNG

Hành trình 60 xây dựng và phát triển với sự đoàn kết, tâm huyết, phấn đấu không ngừng, Bộ môn Quản lý tài chính công đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo và NCKH, cung cấp nguồn nhân lực Kinh tế, Tài chính – Kế toán chất lượng cao cho ngành và cho đất nước của Học viện Tài chính. Ghi nhận những đóng góp đó, trong hành trình 60 xây dựng và phát triển, Bộ môn Quản lý tài chính công và nhiều giảng viên của Bộ môn đã nhận được các Danh hiệu và Khen thưởng cao quý như Tập thể lao động xuất sắc Bộ khen, Chiến sĩ thi đua Ngành Tài chính, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động, Nhà giáo Ưu tú…

Tập thể Bộ môn: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000 và năm 2012.

Cá nhân giảng viên Bộ môn:

– Có 09 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú: PGS,TS. Lê Văn Ái; CN. Lê Văn Hảo; TS. Phạm Văn Khoan; PGS,TS. Phạm Văn Liên; PGS,TS. Phan Duy Minh; PGS,TS. Đặng Văn Du; PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh; PGS,TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt; TS. Bùi Tiến Hanh.

– Có 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai của Nước cộng hòa XHCN Việt Nam: PGS,TS. Phạm Văn Liên.

– Có 09 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: PGS,TS. Lê Văn Ái; TS. Phạm Văn Khoan; PGS,TS. Phạm Văn Liên; PGS,TS. Đặng Văn Du; PGS,TS. Phan Duy Minh; PGS,TS. Đỗ Đức Minh; PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh; PGS,TS. Nguyễn Văn Hiệu; TS. Bùi Tiến Hanh.

– Có 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai của Nước CHDCND Lào: PGS,TS. Phạm Văn Liên.

– Có 04 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Nước CHDCND Lào: TS. Phạm Văn Khoan; PGS,TS. Đặng Văn Du; PGS,TS. Đỗ Đức Minh; PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh.

– Có 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị Việt – Lào: PGS,TS. Nguyễn Trọng Thản.

– Có 02 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc: TS. Phạm Văn Khoan; PGS,TS. Đặng Văn Du.

– Có 12 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: PGS,TS. Lê Văn Ái; TS. Phạm Văn Khoan; PGS,TS. Phạm Văn Liên; PGS,TS. Đặng Văn Du; PGS,TS. Phan Duy Minh; PGS,TS. Đỗ Đức Minh; PGS,TS. Nguyễn Văn Hiệu; TS. Nguyễn Việt Cường; PGS,TS. Nguyễn Trọng Thản; PGS,TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt; TS. Bùi Tiến Hanh; TS. Phạm Thị Hoàng Phương…

Những Danh hiệu và Khen thưởng cao quý mà Bộ môn và giảng viên của Bộ môn đã đạt được là kết tinh của sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ Thầy giáo, Cô giáo của Bộ môn và sự lãnh đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Lãnh đạo Học viện các nhiệm kỳ, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các Ban, Khoa, Trung tâm, các Bộ môn trong toàn Học viện. Tập thể giảng viên Bộ môn Quản lý tài chính công xin bày tỏ lòng tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ Thầy giáo, Cô giáo của Bộ môn; Đảng ủy và lãnh đạo Học viện các nhiệm kỳ; các Ban, Khoa, Trung tâm, các Bộ môn trong ngôi nhà chung Học viện Tài chính (tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Trung ương).

4. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỘ MÔN TRONG THỜI GIAN TỚI

Việt Nam đang trên con đường đổi mới phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là tiến trình cải cách tài chính công đang diễn ra mạnh mẽ theo các chuẩn quốc tế, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học theo hướng tự chủ đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, triển vọng và cũng không ít những thách thức cho sự phát triển của Bộ môn Quản lý tài chính công. Trong bối cảnh đó và với sứ mệnh cung cấp những sản phẩm đào tạo và NCKH có chất lượng cao cho xã hội, Bộ môn Quản lý tài chính công xác định một số định hướng phát triển trong thời gian tới như sau:

Một là, tăng cường giáo dục và bồi dưỡng bản lĩnh, lập trường chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên; giữ vững sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện mọi nhiệm vụ công tác trong Bộ môn; đề cao kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm của mọi giảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ công tác; thực hiện đánh giá giảng viên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, quy hoạch và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ, tin học, NCKH và các kỹ năng mền đối với tất cả giảng viên của Bộ môn, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ nhằm phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học vững vàng, có phương pháp giảng dạy hiện đại, có năng lực NCKH và có kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu cung cấp những sản phẩm đào tạo và NCKH có chất lượng cao cho xã hội.

Ba là, đẩy mạnh công tác NCKH phục vụ đào tạo và phục vụ việc hoạch định chính sách tài chính của các bộ, ngành và các cấp chính quyền; khuyến khích các hoạt động NCKH theo hướng công bố quốc tế, tham gia tích cực vào các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; khuyến khích các giảng viên nghiên cứu biên soạn tài liệu tham khảo, chuyên khảo để hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ các học phần, môn học do Bộ môn đảm nhận; tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài lòng của người học đối với các học phần, môn học do Bộ môn đảm nhận.

Bốn là, hội nhập, mở rộng các quan hệ hợp tác với bên ngoài Học viện để trau rồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên, phát triển cung ứng dịch vụ đào tạo, NCKH và các dịch vụ chuyên môn khác đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển của Bộ môn Quản lý tài chính công không phải là ngắn và cũng chưa phải là dài, có nhiều cơ hội và cũng có không ít thách thức, nhưng với sự đoàn kết, tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp, nỗ lực phấn đấu không ngừng tất cả vì học sinh thân yêu, các thế hệ Thầy giáo, Cô giáo đã gây dựng và khẳng định vị thế của Bộ môn ở trong Học viện và ngoài xã hội ngày hôm nay. Trên con đường phát triển tiếp theo, phía trước có nhiều cơ hội và thách thức, Bộ môn Quản lý tài chính công sẽ tiếp tục đoàn kết đồng tâm, hợp lực nắm lấy cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển ngày càng vững mạnh hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 177/CP thành lập Trường Cán bộ Tài chính kế toán Trung ương trực thuộc Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963, của Hội đồng Chính phủ.
  2. Quyết định số 29/QĐ-TCCB ngày 31/10/1995 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội.
  3. Kỷ yếu Hội thảo Học viện Tài chính 55 năm xây dựng và phát triển, NXB Tài chính, năm 2018.
  4. Kỷ yếu Khoa Tài chính công 55 năm một hành trình, năm 2018.
  5. Kỷ yếu Bộ môn Quản lý tài chính công, năm 2018.

Để lại một bình luận