Nguyên trưởng Khoa Tài chính quốc tế PGS, TS Nguyễn Tiến Thuận và PGS, TS Vũ Duy Vĩnh
Học viện Tài chính, tiền thân trước đây là Trường Đại học Tài chính, Kế toán Hà Nội đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển của Học viện nhiều Khoa, chuyên ngành mới được thành lập hoặc tái lập để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ cho sự phát triển và đổi mới của nền kinh tế nước ta. Một trong số các Khoa, chuyên ngành được tái lập đó là chuyên ngành Tài chính quốc tế – mã số: 08 thuộc Khoa Tài chính Quốc tế.
1. Sự thành lập Khoa Tài chính quốc tế và tái lập chuyên ngành Tài chính quốc tế (08).
Năm 2002, được phép của Bộ Tài chính, khoa Tài chính quốc tế chính thức được thành lập đã chính thức đánh dấu cho sự hình thành và phát triển của Khoa. Tuy khoa Tài chính quốc mới thành lập nhưng chuyên ngành Tài chính quốc tế (08) xuất hiện lại là sự tái lập một chuyên ngành mà trước đây đã từng được đào tạo khi còn là Trường Đại học Tài chính, Kế toán Hà Nội đó là chuyên ngành Tài chính đối ngoại (08) và khóa cuối cùng đào tạo khi đó là K16-08 bởi vậy đó là lí do tại sao hiện nay mã ngành của chuyên ngành Tài chính quốc tế hiện nay vẫn được duy trì như cũ là 08 , sau đó chuyên ngành Tài chính đối ngoại (08) tạm dừng không đào tạo sinh viên dài hạn bởi nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Do vậy, nhiều người cho rằng chuyên ngành Tài chính quốc tế (08) là chuyên ngành mới được thành lập mới tại Học viện Tài chính thì điều đó không hoàn toàn chính xác. Trước khi thành lập khoa Tài chính quốc tế, năm 1998 Ban Giám hiệu (nay là Ban Giám đốc) đã có quyết định tái lập chuyên ngành Tài chính quốc tế và quyết định tạm thời thuộc cơ cấu của khoa Tài chính Công và bắt đầu đào tạo sinh viên dài hạn từ K36 và cho đến nay là K60.
Kỷ niệm thành lập Khoa và thành lập chuyên ngành Tài chính Quốc tế
Việc thành lập khoa Tài chính quốc tế năm 2002 và tái lập chuyên ngành Tài chính quốc tế là một quyết định đúng, phù hợp với qui luật phát triển và là sự kế thừa, tiếp tục phát triển của chuyên ngành Tài chính đối ngoại trước đây. Tuy nhiên, điểm khác biệt căn bản ở đây chính là nội dung, chương trình đào tạo của chuyên ngành Tài chính đối ngoại trước đây và chuyên ngành Tài chính quốc tế hiện tại vì mỗi giai đoạn khác nhau thì mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ sẽ khác nhau để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Khi mới thành lập khoa Tài chính quốc tế với cơ cấu tổ chức có 3 bộ môn là: bộ môn Thống kê (giảng dạy các môn học: thống kê, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô), bộ môn Kinh tế quốc tế và bộ môn Tài chính quốc tế. Cùng với sự phát triển của Học viện, khoa Kinh tế của Học viện được thành lập với các giáo viên của bộ môn Thống kê chuyển sang và khi đó khoa Tài chính quốc tế được cơ cấu lại với 3 bộ môn: Kinh tế quốc tế, Tài chính quốc tế, Quản trị tài chính quốc tế. Việc nền kinh tế mở cửa hội nhập toàn diện đã đòi hỏi bản thân khoa Tài chính quốc tế cũng phải đổi mới toàn diện để hội nhập và phát triển một cách xứng tầm với yêu cầu đặt ra.
2. Những bước trưởng thành và phát triển của khoa Tài chính quốc tế.
Khoa Tài chính quốc tế thành lập cho đến năm 2023 mới được 21 năm, so với các khoa khác trong Học viện còn khá non trẻ nhưng trong 21 năm qua với sự nỗ lực của các cán bộ, giảng viên cũng đạt được những kết quả rất đáng trân trọng và khích lệ.
Một là, việc thành lập khoa Tài chính quốc tế và tái lập chuyên ngành Tài chính quốc tế (08) trên cơ sở chuyên ngành Tài chính đối ngoại (08) trước đây là quyết định quan trọng đã giúp cho khoa TCQT đào tạo những sinh viên chuyên ngành dài hạn đầu tiên khi mà nhiều trường đại học thuộc khối kinh tế trong nước được coi là tốp đầu còn chưa thành lập chuyên ngành này như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương. Thực tế này là một minh chứng để khẳng định rằng các trường này đã đi sau Học viện Tài chính một bước trong việc nhận thức và đào tạo đội ngũ cán bộ Tài chính quốc tế cho nền kinh tế mở cửa hội nhập. Theo kết quả khảo sát của Học viện thì sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế do Khoa TCQT đào tạo ra trường được nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng và đánh giá rất cao về chất lượng đào tạo.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập chuyên ngành Tài chính Quốc tế
Hai là, trong quá trình phát triển, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng đào tạo các Bộ môn trong Khoa đã luôn luôn chủ động bổ sung kiến mới vào bài giảng, biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng gốc để phục vụ cho việc đào tạo sinh viên chuyên ngành. Với quan điểm mới cần phải cung cấp những kiến thức chuyên sâu về Tài chính quốc tế, năm 2013 Ban chủ nhiệm Khoa TCQT đã tư vấn cho Ban Giám đốc tách bộ môn Tài chính quốc tế thành 2 bộ môn: Tài chính quốc tế (giảng dạy 2 môn học) và bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (giảng dạy 4 môn học), với 6 đầu môn học mới đã đảm bảo cung cấp đầy đủ, toàn diện kiến thức chuyên ngành Tài chính quốc tế cho sinh viên. Đây là một quyết định có tính đột phá để giúp cho việc phát triển và đào tạo sinh viên chuyên ngành TCQT trong tương lai. Đến nay về cơ bản các môn học này đã hoàn thành việc biên soạn giáo trình, bài giảng gốc để phục vụ cho việc đào tạo và học tập của sinh viên chuyên ngành TCQT.
Khoa Tài chính Quốc tế long trọng tổ chức Ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11
Kể từ khi tái lập chuyên ngành TCQT cho đến năm 2023 đã có 20 khóa sinh viên dài hạn tốt nghiệp với khoảng 3.000 sinh viên. Sinh viên chuyên ngành TCQT ra trường được nhiều cơ quan, tổ chức tuyển dụng đánh giá cao và có thể làm được nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: quản lý các dòng vốn đầu tư quốc tế, làm các nghiệp vụ tài chính quốc tế, nghiệp vụ thanh toán quốc tế … trong các cơ quan quản lý nhà nước, tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại các ngân hàng thương mại. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã trở thành những cán bộ chủ chốt của các đơn vị, cơ quan mà họ làm việc là một minh chứng cho thấy chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành TCQT tốt và được xã hội đánh giá cao.
Ba là, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa TCQT ngày càng cải thiện về mặt chất lượng. Khoa TCQT rất tự hào dù mới chỉ thành lập hơn 20 năm nhưng đã là nơi cung cấp nhiều cán bộ nòng cốt cho các đơn vị trong và ngoài Học viện như: nguyên Trưởng Ban Quản lý khoa học, nguyên Trưởng Ban hợp tác quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng và tư vấn TCKT, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, nguyên Phó giám đốc trung tâm đào tạo bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước … Thực tế khi chưa tách ra để thành lập 2 Khoa mới trong Học viện là Khoa Hệ thông thông tin kinh tế và Khoa Kinh tế thì đội ngũ giảng viên của Khoa TCQT có học hàm, học vị đứng đầu các khoa trong Học viện với 9 PGS, TS, gần 10 TS và nhiều giảng viên là Ths, NCS. Kể từ khi Khoa TCQT được thành lập, các giảng viên Khoa TCQT đã hăng say học tập, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để phục tốt hơn cho công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành. Cụ thể, đã có 3 giảng viên đang theo học Tiến sĩ tại Vương quốc Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản và nhiều giảng viên đã hoàn thành học Tiến sĩ. Đến năm 2023, trong số 20 giảng viên của Khoa có 3 PGS, TS, có 10 TS, có 3 NCS và 4 Ths như vậy đến nay có thể khẳng định đội ngũ giảng viên của Khoa tuy không tăng về số lượng nhưng không ngừng tăng lên về chất lượng. Các giảng viên trong Khoa không chỉ nỗ lực học tập về chuyên môn mà còn rất nỗ lực học tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ bởi vậy rất nhiều giảng viên của Khoa TCQT đã giành được học bổng đi học TS, Ths ở nước ngoài.
Cán bộ giảng viên Khoa Tài chính Quốc tế tiên phong trong mọi hoạt động của Học viện
Về công tác nghiên cứu khoa học: các giảng trong Khoa rất chú trọng công tác NCKH, coi đây cũng là một biện pháp nhằm bổ sung kiến thức chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo bởi vậy hàng năm đã hoàn thành một khối lượng công việc NCKH lớn, kể từ khi thành lập Khoa cho đến nay các giảng viên của khoa đã hoàn thành nhiều công trình NCKH các cấp (Bộ, cơ sở), hoàn thành hàng trăm bài báo khác nhau được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia, các tạp chí có uy tín trong nước.
Khoa Tài chính Quốc tế luôn chú trọng tổ chức các hội thảo NCKH sinh viên
Với những kết quả đã đạt dược như trên trong giảng dạy, học tập, NCKH đã khẳng định sự phát triển và lớn mạnh của Khoa TCQT hơn 20 năm qua nói riêng và sự phát triển lớn mạnh của Học viện Tài chính nói chung. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng việc chia sẻ đội ngũ khi thành lập các Khoa mới là cần thiết để đảm cho sự phát triển của Học viện nhưng điều đó cũng sẽ làm cho sức mạnh đội ngũ giảng viên của Khoa TCQT bị ảnh hưởng nhất định trong khi việc bổ sung thêm đội ngũ giảng viên về số lượng lại rất khó khăn do các nguyên nhân khác nhau. Hiện tại, đội ngũ giảng viên của Khoa chỉ còn 3 PGS, TS và 10 TS nhưng trong đó có 2 PGS, TS trong diện kéo dài làm việc theo qui định của luật pháp và cũng sắp nghỉ theo qui định nên chắc chắn sẽ có những hụt hẫng nhất định trong công việc giảng dạy cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo Khoa, Bộ môn.
3. Đổi mới toàn diện để hội nhập và phát triển.
Để thực hiện được sứ mệnh của Học viện Tài chính là cung cấp những sản phẩm đào tạo và NCKH tài chính-kế toán có chất lượng cao cho xã hội thì mỗi chuyên ngành đào tạo cần phải đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với chuyên ngành Tài chính quốc tế muốn đáp ứng được yếu cầu phát triển và hội nhập toàn diện của đất nước thì nhất thiết phải đổi mới toàn diện quá trình đào tạo. Hướng đổi mới toàn diện trong đào tạo của chuyên ngành Tài chính quốc tế là: kết hợp đào tạo diện rộng với đào tạo chuyên sâu và gắn với việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ luật pháp quốc tế cho sinh viên chuyên ngành. Theo quan điểm của chúng tôi cho rằng, để thực hiện được hướng đổi mới như trên cần phải thực hiện tốt những việc làm sau:
Một là, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên một cách toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị tư tưởng lẫn ngoại ngữ và kiến thức luật pháp quốc tế.
Để thực hiện được vấn đề này, trước hết mỗi giảng viên hãy tự xác định trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức nhà giáo để thực sự là những tấm gương cho học sinh trong Khoa noi theo học tập. Mặt khác, mỗi giảng viên hãy cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả để thực sự tạo ra niềm đam mê học tập và NCKH cho các em sinh viên, để trang bị cho sinh viên những kiến thức kinh tế, tài chính quốc tế mới nhất một cách tốt nhất.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy theo hệ thống tín chỉ có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến công việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn tốt, có trình độ ngoại ngữ giỏi và đặc biệt là phải có sự tâm huyết với nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, đội ngũ giảng viên của các trường đại học ở Việt Nam nói chung và ở Học viện, ở Khoa TCQT nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu nói trên nên cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ tài chính kế toán trong tương lai. Thực tế cũng đòi hỏi khi tuyển chọn đội ngũ giảng viên không chỉ cần chú ý đến trình độ chuyên môn tốt mà cần quan tâm cả đến yêu cầu về ngoại ngữ và đặc biệt là quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cho rằng, đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề hiện tại ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức khi chúng ta tuyển chọn đội ngũ giảng viên bậc đại học nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo sinh viên trong điều kiện hội nhập toàn diện.
Lễ sơ kết, tổng kết năm học của thầy và trò Khoa Tài chính Quốc tế
Hai là, Khoa và các bộ môn trong Khoa cần chủ động phối hợp với các Ban chức năng trong Học viện để bổ sung, điều chỉnh các môn học cho phù hợp với yêu cầu của thực tế đòi hỏi trong chương trình đào tạo chuên ngành Tài chính quốc tế.
Đối với bất cứ chương trình đào tạo cho chuyên ngành nào sau khi đã thực hiện một thời gian cũng có những bất cập cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Mặc dù chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính quốc tế (08) những năm qua đã đáp ứng khá tốt yêu cầu đổi mới của nền kinh tế đặt ra, nhưng đánh giá một cách khách quan thì vẫn còn những điểm chưa thật sự hoàn thiện do vậy hàng năm Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Học viện, của các Khoa cần thiết phải tổ chức các đánh giá lại chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành để hoàn thiện chương trình đào tạo cho phù hợp nhất.
Đối với Khoa Tài chính quốc tế, hàng năm Hội đồng KH&ĐT của Khoa họp và đánh giá những điểm còn bất hợp lý trong chương trình đào (nhất là các môn học nào cần thay đổi, các môn học nào cần đổi mới nội dung cho phù hợp) từ đó có những góp ý cho các Ban chức năng nhằm hoàn thiện chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu đổi mới của thực tiễn. Qua thực tế cũng chỉ ra một điểm yếu của sinh viên Học viện là kiến thức kinh tế chung còn chưa bằng sinh viên các trường khác, nguyên nhân dẫn đến tình hình trên có nhiều nhưng theo chúng tôi nguyên nhân chủ yếu nhất là do các môn học kinh tế trong chương trình đào tạo còn khá khiêm tốn do đó cần thiết có những bổ sung thêm các môn học kinh tế cho sinh viên của Học viện nói chung, của chuyên ngành 08 nói riêng.
Hội thảo Khoa học giáo viên được tổ chức định kỳ hằng năm
Ba là, cần mở rộng chuyên ngành đào tạo để khai thác hết tiềm năng và khẳng định vị thế của chuyên ngành Tài chính quốc tế.
Mặc dù chuyên ngành Tài chính quốc tế đã tái lập được 25 năm và 25 năm qua cũng đã đạt những kết quả tốt nhưng so với yếu cầu của thực tiễn hội nhập toàn diện vẫn còn những bất cập cần phải giải quyết. Chẳng hạn, do đặc thù nên kể từ khi tái lập cho đến nay Khoa TCQT vẫn chỉ có duy nhất 01 chuyên ngành đào tạo trong khi rất nhiều trường đi sau Học viện (tức là việc thành lập chuyên ngành TCQT sau Học viện nhiều) nhưng đến thời điểm hiện tại học đã có nhiều chuyên ngành liên quan hơn Học viện. Do đó, chúng tôi cho rằng Học viện nhanh chóng chỉ đạo và đưa ra các biện pháp kịp thời càng sớm càng tốt mở rộng thêm các chuyên ngành đào tạo cho Khoa TCQT theo hướng kết hợp được sức mạnh, kinh nghiệm của các môn học trong Khoa để hình thành các chuyên ngành đào tạo mới như: Kinh tế đối ngoại (hoặc: Kinh doanh quốc tế). Tất nhiên, việc mở thêm chuyên ngành đào tạo có thể gặp phải những khó khăn do qui định về mặt pháp lý (qui định của Bộ GD&ĐT) nhưng đây là một việc làm cần thiết để nâng tầm vị thế của Khoa TCQT nói riêng và của Học Viện Tài chính nói chung. Để thực hiện được ý định trên bên cạnh sự chủ động của các Bộ môn thuộc Khoa, của Hội đồng KH&ĐT Khoa thì sự chỉ đạo và giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám đốc và các Ban chức năng trong Học viện là rất quan trọng.
Khoa TCQT định hướng công việc cho các bạn sinh viên qua tọa đàm cơ hội nghề nghiệp, giao lưu, trải nghiệm thực tế tại các Ngân hàng
Bốn là, đổi mới phương pháp đào tạo để có giúp cho sinh viên TCQT tăng được “kĩ năng mềm” nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn của “công dân toàn cầu”.
Thực tế khảo sát cho biết: “kĩ năng mềm” của sinh viên Học viện Tài chính nói chung và sinh viên TCQT nói riêng trình độ chưa bằng sinh viên một số trường. Để giải quyết điểm yếu này cho sinh viên theo chúng tôi cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho sinh viên một cách thực chất chứ không phải chỉ là đáp ứng chuẩn đều ra về ngoại ngữ, tin học theo qui định (đặc biệt là trình độ ngoại ngữ). Do vậy, ngoài việc giảng dạy các môn học này trên lớp theo chương trình đào tạo thì cần mở thêm các lớp dạy ngoài giờ cho sinh viên và cần tuyên truyền để sinh viên nhận thức được sự cần thiết phải nâng cao “kĩ năng mềm” thông hoạt động của Hội, các Câu lạc bộ.
Bên cạnh việc nâng cao “kĩ năng mềm” về ngoại ngữ, tin học thì trong giảng dạy cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng khả năng thuyết trình, tăng khả năng làm việc theo nhóm cho sinh viên chuyên ngành TCQT. Để làm được việc này đòi hỏi mỗi giảng viên trong Khoa cần tăng thời lượng giao tiếp với sinh viên thông qua việc đặt ra nhiều tình huống và câu hỏi trong quá trình giảng dạy, giảm thời gian “độc thoại” khi giảng dạy.
Như vậy, nếu tất cả các “kĩ năng mềm” của sinh viên chuyên ngành TCQT được hoàn thiện thì đó chính là việc đã đáp ứng được các tiêu chuẩn để trở thành “công dân toàn cầu” sau khi ra trường,
Festival Khoa Tài chính Quốc tế – Nơi các bạn Sinh viên được giao lưu và thể hiện tài năng
Tóm lại, trên đây là một số giải pháp cơ bản để Khoa Tài chính quốc tế đổi mới toàn diện để hội nhập và phát triển trong thời gian sắp tới. Tuy vậy, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên thì ngoài sự nỗ lực, chủ động của mỗi giảng viên trong Khoa, của mỗi Bộ môn trong Khoa thì không thể thiếu sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám đốc và các Ban chức năng trong Học viện.