PGS,TS. Vũ Thị Vinh
Giảng dạy các môn lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong các trường đại học. Các môn lý luận chính trị góp phần hình thành thế giới quan khoa học cho sinh viên, không chỉ cung cấp những tri thức của thế giới quan duy vật biện chứng mà còn giúp cho những nội dung kiến thức đó “xâm nhập” và “chuyển hóa” những tri thức mà sinh viên tiếp nhận được thành những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường thế giới quan tương ứng, trang bị cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, ý thức hệ, hình thành được tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lý luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Học viện tài chính “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính-kế toán chất lượng cao cho xã hội” các môn lý luận chính trị, giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Lịch sử ra đời và phát triển của Khoa Lý luận chính trị gắn lền với 60 năm xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển của Học viện tài chính.
Giai đoạn mới thành lập: 1963- 1993
Tiền thân của khoa lý luận chính trị là Bộ môn Mác–Lênin. Ngay từ khi trường cán bộ tài chính kế toán được thành lập ngày 31/ 7/1963, bộ môn Mác-Lênin được hình thành và các môn khoa học Mác–Lênin đã được đưa vào giảng dạy. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ môn là giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cho sinh viên toàn trường và làm nòng cốt trong các đợt sinh hoạt tư tưởng chính trị của nhà trường. Trưởng bộ môn Mác-Lênin là thầy giáo Dương Minh Thi. Trong bối cảnh cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 9 năm 1965 trường Cán bộ Tài chính sơ tán lên Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Mọi hoạt động của trường nói chung và Bộ môn Mác-Lênin nói riêng đều được thực hiện theo phương châm: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa phải thật sự là một đơn vị chống Mỹ cứu nước, thật sự là một tập thể gương mẫu trong giảng dạy và học tập, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đầu”. Với số lượng giảng viên chỉ có 15 người nhưng với lòng yêu nghề, ý thức chính trị và phẩm chất cách mạng cao nên các thầy cô đã vượt qua muôn vàn khó khăn đảm bảo việc giảng dạy với chất lượng tốt.
Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pari được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Trong bối cảnh đó, để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, trường Tài chính Kế toán Ngân hàng trung ương đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức và hệ thống các khoa, các bộ môn. Năm 1973 khoa Mác–Lênin được thành lập, do thầy giáo Võ Văn Đởm làm trưởng khoa. Thời kỳ này khoa gồm có 3 bộ môn:
- Bộ môn Triết học Mác–Lênin do thầy giáo Võ Văn Đởm là trưởng bộ môn
- Bộ môn Kinh tế chính trị Mác–Lênin do thầy giáo Nguyễn Hồng Cầu là trưởng bộ môn
- Bộ môn Lịch sử Đảng do thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệu là trưởng bộ môn
Trong bối cảnh, miền Bắc bước vào thời kỳ: khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thầy cô giáo khoa Mác–Lênin đã vượt qua khó khăn, cùng với cán bộ giảng viên của trường hoàn thành nhiệm vụ chính trị của giai đoạn này là: “Đào tạo và bồi dưỡng với quy mô lớn và tốc độ nhanh đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học và trên đại học, có trình độ lý luận, có kiến thức về tổ chức quản lý nghiệp vụ chuyên môn, có sự hiểu biết về kinh tế kỹ thuật, tiến lên đủ sức giải quyết những vấn đề kinh tế tài chính theo nghiệp vụ, chức năng của ngành tài chính…”
Từ khi khoa Mác–Lênin được thành lập năm 1973 đến năm 1994 với sự lãnh đạo của các thầy trưởng khoa (thầy giáo Võ Văn Đởm; thầy giáo giáo Nguyễn Hữu Sắt, thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệu và Th.S Phạm Xuân Đạt), sự tâm huyết, lòng yêu nghề các thầy cô giáo trong khoa đã luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Giai đoạn hợp tác: 1994-2001
Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, năm 1994 Khoa Đại cương được thành lập do Th.S Phạm Xuân Đạt là trưởng khoa. Khoa gồm có 8 bộ môn:
- Bộ môn Triết học Mác–Lênin do TS. Nguyễn Quốc Dũng là trưởng bộ môn
- Bộ môn Kinh tế chính trị Mác–Lênin do thầy Phạm Xuân Hòa là trưởng bộ môn
- Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học do thầy Nguyễn Văn Sửu là trưởng bộ môn
- Bộ môn Lịch sử Đảng do thầy Nguyễn Văn Thuận là trưởng bộ môn
- Bộ môn Toán do PGS.TS Phạm Đình Phùng là trưởng bộ môn
- Bộ môn Ngoại ngữ do cô giáo Lê Thị Soan là trưởng bộ môn
- Bộ môn Giáo dục thể chất do thầy Nguyễn Tiến Nhật là trưởng bộ môn
- Bộ môn giáo dục quốc phòng do đại tác Lê Anh Khi là trưởng bộ môn
Trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức bộ máy của Học viện Tài chính, năm 2003 thành lập thêm 4 khoa: khoa Thuế- Hải quan( tách ra từ khoa Tài chính công); khoa Quản trị kinh doanh; khoa Hệ thống thông tin kinh tế, Khoa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh (do tách ra từ Khoa Đại cương). Trưởng khoa Lý luận chính trị là TS. NGƯT Nguyễn Quốc Dũng . Khoa gồm có 3 bộ môn:
- Bộ môn Triết học Mác- Lênin do TS. NGƯT. Nguyễn Quốc Dũng là trưởng bộ môn
- Bộ môn Kinh tế chính trị Mác–Lênin do ThS. Trần Hậu Hùng là trưởng bộ môn
- Bộ môn Lịch sử Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh do thầy Thuận là trưởng bộ môn.
Thế hệ các thầy cô Khoa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2001
Giai đoạn từ 2008-2018: trưởng thành vượt bậc
Năm 2008, Theo Quyết định 52/2008/QĐ – BGDĐT (Quyết định ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ cao đẳng, đại học cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), các môn khoa học Mác Lênin trước đây được sắp xếp lại thành 3 môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học viện Tài Chính đã cơ cấu lại các bộ môn của khoa và đổi tên thành Khoa lý luận chính trị cho phù hợp với tiến trình đổi mới, theo đó Khoa được cơ cấu thành 3 bộ môn:
– Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin do TS. Nguyễn Văn Sanh là trưởng bộ môn
– Bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, do ThS. Trần Hậu Hùng phụ trách bộ môn;
– Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, do Th.S Nguyễn Thị Thu Hiền phụ trách bộ môn
Về chuyên môn
Đây là giai đoạn có sự thay đổi lớn về nội dung và chương trình đào tạo các môn thuộc khoa Lý luận chính trị để thích ứng bối cảnh mới của đất nước phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập. Trong bối cảnh các môn học có sự thay đổi nhiều nội dung và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu và giảng dạy, các giảng viên đã nỗ lực thực hiện học tập và đổi mới, cập nhật kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm để làm cơ sở phong phú cho bài giảng và đảm bảo việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Các bộ môn chủ động viết lại đề cương bài giảng, tài liệu hướng dẫn môn học trong phạm vi cho phép. Mặc dù có những khó khăn về thời gian, nhưng các bộ môn đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy và thống nhất đề cương bài giảng theo kết cấu của từng môn học. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của khoa các giảng viên trong khoa thường xuyên học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo; nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ và tin học. Đây là giai đoạn đội ngũ giảng viên của Khoa có tốc độ nâng cấp về trình độ chuyên môn rất cao. Do đó, tất cả đội ngũ giảng viên của Khoa Lý luận chính trị đều “đạt ngưỡng” quy định về tiêu chí giảng viên trong các trường Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2018 Khoa Lý luận chính trị có tổng số 38 viên chức, trong đó 37 giảng viên và 01 chuyên viên văn phòng khoa. Trong 37giảng viên có: 4 PGS, 14 tiến sĩ, 23 thạc sĩ . Với cơ cấu hiện tại số giáo viên có trình độ từ thạc sĩ là 37/37 chiếm 100 %
Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin có 17 giảng viên: 1 PGS, 7 tiến sĩ và 10 thạc sĩ (trong đó có 2 giảng viên đang là NCS), đảm nhiệm giảng dạy 2 môn học: Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lê nin và Xã hội học cho hệ đại học, liên thông và bằng 2. Đồng thời bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy môn triết học cho học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có 11 giảng viên: 3 PGS, 6 tiến sĩ và 5 thạc sĩ (trong đó có 2 giảng viên đang học NCS ) đảm nhiệm giảng dạy 2 môn học: Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử các học thuyết kinh tế cho các hệ đại học chính quy, liên thông và đại học bằng hai.
Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có 9 giảng viên bao gồm : 1 tiến sĩ , 8 thạc sĩ ( trong đó có 1 giảng viên đang là NCS) đảm nhiệm giảng dạy 3 môn: tư tưởng Hồ Chí Minh; Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tiếng việt cho lưu học sinh Lào.
Các thế thế các thầy cô, giáo khoa Lý luận chính trị nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.
Về nghiên cứu khoa học
Với sự nâng cao về trình độ chuyên môn, nên giai đoạn này, Khoa Lý luận chính trị đạt được thành tích vượt bậc về nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm từ 2008-2018, Khoa Lý luận chính trị luôn được thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, 100% giảng viên trong khoa vượt định mức NCKH. Cụ thể: có 4 giảng viên được phong học hàm phó giáo sư, 9 giảng viên đã hoàn thành nghiên cứu sinh và được nhận học vị tiến sĩ, 5 giảng viên được nhận học vị Thạc sĩ và 10 giảng viên giảng viên được nâng ngạch từ giảng viên lên giảng viên chính; 4 giảng viên được nâng ngạch từ giảng viên chính lên giảng viên cao cấp. Bên cạnh đó, khoa đã hoàn thành 1 đề tài cấp bộ 60 đề tài cấp học viện; 50 đề tài cấp khoa ; 2 giáo trình; 1 sách bài tập đều được đạt loại giỏi và xuất sắc; 6 sách hướng học tập các môn Lý luận chính trị; 19 cuốn sách chuyên khảo và tham khảo đã được xuất bản và đưa vào sử dụng phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; 120 bài báo đã được đăng trên các tạp chí trong nước và 5 bài báo quốc tế. Ngoài ra, các giảng viên của khoa còn tham gia 3 nhánh đề tài cấp Nhà nước, 10 đề tài cấp bộ. Mỗi năm khoa đã tổ chức thành công 1 cuộc hội thảo khoa học và tham nhiều cuộc hội thảo khoa học các cấp và tham gia viết 34 bài hội thảo quốc tế và 20 bài hội thảo quốc gia, 12 bài hội thảo cấp học viện và 370 bài hội thảo cấp khoa.
Về công tác công đoàn: Toàn bộ cán bộ viên chức trong khoa đều có tinh thần trách nhiệm cao với các hoạt động của công đoàn, Học viện, khoa; hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Học viện, Ban nữ công phát động như phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà’’, xây dựng gia đình văn hoá, nuôi con khoẻ dạy con ngoan.Tham gia đầy đủ và đạt được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, các hoạt động tập thể của học viện.
Giảng viên khoa Lý luận chính trị nhận các giải thi đấu thể thao 28/5/2016
Về hoạt động của Đoàn thanh niên
Chi đoàn giáo viên luôn phát huy vai trò tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị cho đoàn viên.Tích cực tham gia các phong trào chung của học viện và khoa. Khoa Lý luận chính trị, phối hợp cùng Đoàn TN Học viện triển khai đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền thúc đẩy giáo dục tư tưởng chính trị mang tính chiều sâu. Tổ chức tuyên truyền và khuyến khích sinh viên Học viện tham gia các cuộc thi do TW Đoàn, Thành đoàn Hà Nội tổ chức như: Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hàng năm. Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”, Olympic Kinh tế học; cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ Học viện Tài chính”… Các cuộc thi đều được tổ chức thành công, thu hút đông đảo sinh viên tham gia, Học viện Tài chính luôn đứng TOP đầu của thành phố và khối trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước về tỷ lệ sinh viên đăng ký và tham gia hưởng ứng các cuộc thi. Trong 5 năm vừa qua Học viện tài chính luôn có sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”; Olympic Kinh tế học
Giai đoạn 2019- 2023: phát huy truyền thống, hướng tới tương lai
Năm 2019, thực hiện triển khai Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, 3 môn học: Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh được thay bằng 5 môn học: Triết học Mác–Lênin; Kinh tế Chính trị Mác–Lênin; Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó Khoa lý luận chính trị được cơ cấu lại thành 3 bộ môn:
– Bộ môn Triết học Mác Lê nin do TS. Nguyễn Văn Sanh làm trưởng bộ môn, có 15 giảng viên: 8 tiến sĩ và 7 thạc sĩ (trong đó có 1 giảng viên đang là NCS) đảm nhiệm giảng dạy 3 môn học: Triết học Mác Lê nin; Chủ nghĩa xã hội khoa học và Xã hội học.
– Bộ môn Kinh tế chính trị Mác Lê nin, do PGS.TS Vũ Thị Vinh phụ trách, có 9 giảng viên: 2 PGS, 4 tiến sĩ và 3 thạc sĩ (trong đó có 1 giảng viên đang học NCS) đảm nhiệm giảng dạy 2 môn học: Kinh tế chính trị Mác Lê nin và Lịch sử các học thuyết kinh tế.
– Bộ môn Lịch sử đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Do Th.S Nguyễn Thị Thu Hiền phụ trách, có 14 giảng viên: 2 PGS; 5 tiến sĩ, 7 thạc sĩ (Trong đó có 01 giảng viên đang học NCS) đảm nhiệm giảng dạy 4 môn học: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh; Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào.
Việc tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình giảng dạy các môn Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện của dịch bệnh covid-19 và thế giới có nhiều biến động do sự tác động của cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động khác của khoa. Dưới sự chỉ đạo của Chi ủy, Ban chủ nhiệm khoa đã phối hợp với lãnh đạo các bộ môn, công đoàn, đoàn thanh niên, nhanh chóng ổn định tư tưởng cho các giảng viên, thực nhiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
Về chuyên môn
Các thầy cô, giáo là giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị nên nhận thức chính trị về vai trò của người giảng viên, cán bộ công chức trước những biến đổi của đất nước, vai trò trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, giảng viên trong nhận thực hiện nhiệm vụ chuyên môn rất cao. Do đó, với phương châm “Tự đổi mới” ở từng giáo viên, các thầy cô luôn cập nhật kiến thức, tích luỹ tư liệu để làm cơ sở phong phú cho bài giảng và đảm bảo việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Các bộ môn chủ động viết lại đề cương bài giảng, tài liệu hướng dẫn môn học trong phạm vi cho phép. Mặc dù thực hiện chủ trương “ Đổi mới các môn lý luận chính trị” trong bối cảnh chưa có giáo trình và ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, nhưng các bộ môn đã tổ chức, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy và thống nhất đề cương bài giảng theo kết cấu của từng môn học theo chương trình đổi mới bằng hình thức online. Phương pháp giảng dạy thường xuyên được đổi mới theo hướng nâng cao tính chủ động của sinh viên, tăng cường việc trao đổi thảo luận, thực hành, ứng dụng kỹ thuật tin học vào công tác giảng dạy. Chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới đặt ra.
PGS.TS. Vũ Thị Vinh vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba năm 2021
Khoa Lý luận chính trị và bộ môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin vinh dự đón nhận bằng khen của thủ tướng chính phủ
Các thầy cô giáo của khoa vinh dự đón nhận giấy khen của Giám đốc Học viện do đạt được danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm Toàn quốc, lần thứ nhất năm 2020
Về nghiên cứu khoa học: Công tác nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn luôn được khoa và các bộ môn quan tâm tổ chức thực hiện. Hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa hướng tới các nội dung đổi mới của các môn Mác- Lê nin với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu lý luận với nghiên cứu ứng dụng, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, sáng tạo. Từ năm 2019-2023 việc nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trong khoa phát triển mạnh mẽ. Song song với việc giảng dạy, hầu hết các giảng viên trong khoa tham gia công tác nghiên cứu khoa học như: chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp học viện, cấp khoa; chủ biên, đồng tác giả giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo và tham gia các hội thảo khoa học cấp học viện, cấp quốc gia và quốc tế.. các giảng viên của khoa có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước. Từ năm 2019-2023 khoa lý luận chính trị đã hoàn thành 2 đề tài cấp bộ, có 1 bài báo quốc tế, 68 bài báo đăng trên các tạp chí; 47 bài hội thảo quốc tế và 45 bài hội thảo quốc gia;142 bài hội thảo khoa học cấp khoa; Hoàn thành 54 đề tài NCKH cấp Học viện đạt loại xuất sắc, 50 đề tài NCKH cấp khoa, 11 sách chuyên khảo, 7 sách hướng dẫn học tập và 1 bài giảng gốc. Khoa đã tổ chức thành công mỗi năm buổi hội thảo khoa học cấp Khoa . Bên cạnh đó các giảng viên còn tham gia viết nhiều đề tài nhánh cấp nhà nước và đề tài cấp bộ.
Hội thảo khoa học khoa Lý luận chính trị năm 2022
Về công tác Đảng
Là chi bộ của khoa chuyên giảng dạy các môn khoa học Mác- Lê nin, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ban chấp hành Đảng bộ Học viện Tài Chính, Chi bộ Khoa lý luận chính trị phát huy tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của mình trên các lĩnh vực hoạt động của khoa: công tác giáo dục chính trị tư tưởng; lãnh đạo công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học; lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; lãnh đạo công tác quần chúng-Công đoàn và Đoàn thanh niên; công tác xây dựng Đảng. Từ năm 2019-2023 Nhờ có sự đoàn kết nhất trí cao trong Chi bộ, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình cao trong các đảng viên, sinh hoạt dân chủ và quán triệt, triển khai đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cấp trên nên chi bộ khoa lý luận chính trị luôn hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và chi bộ có 2 đồng chí được Đảng ủy Bộ Tài chính tặng giấy khen đảng viên 5 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh. Hàng năm chi bộ luôn quan tâm, bồi dưỡng, giúp đỡ các quần chúng tích cực và kết nạp Đảng viên mới. Đến nay cho bộ đã có 32 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên trẻ
Chi bộ khoa Lý luận chính trị vinh dự đón nhận giấy khen của Đảng ủy Bộ Tài chính năm 2021
Về công tác Công đoàn
Dưới sự lãnh đạo của Chi ủy khoa, ban chấp hành công đoàn và Đoàn thanh niên Học viện, Công đoàn và đoàn thanh niên khoa lý luận chính trị đã thực hiện và phát huy tốt chức năng của mình. Công đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống cán bộ viên chức và là hạt nhân trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên cán bộ, công chức trong các hoạt động vì mục tiêu chung của khoa và Học viện: hỗ trợ cho 1 công đoàn viên có con bị bệnh hiểm nghèo; 3 đoàn viên được trợ cấp phương tiện học tập trực tuyến; 3 đoàn viên được trợ cấp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; trợ cấp 2 đoàn viên nằm trong khu phong tỏa dài ngày; trợ cấp cho 1 số công đoàn viên khó khăn vào dịp Tết nguyên đán.. Các đoàn viên công đoàn của khoa tích cực tham gia phòng trào tham gia hiến máu nhân đạo; ủng hộ chương trình máy tính cho em; ủng hộ quỹ xã hội của Công đoàn Bộ Tài chính; ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung, ủng hộ gia đình nghèo, ủng Quỹ văc-xin phòng chống Covid-19, ủng hộ cho sinh viên và người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đoàn viên công đoàn tổ chức quyên góp sách vở, chương trình “ máy tính cho em”đồ dùng hỗ trợ học sinh, ủng hộ chương trình trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch co-vid19
Ảnh: Tri ân các nhà giáo lão thành khoa Lý luận chính trị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022
Ảnh: Liên khoa Lý luận chính trị- Tài chính Công – Thuế Hải quan tham gia giải thể thao truyền thống của Học viện năm 2022
Các đoàn viên công đoàn luôn tham gia đầy đủ và đạt được nhiều thành tích cao trong các phong trào thi đua, các hoạt động tập thể của Học viện như: Giải Nhì tìm hiểu về Đảng Bộ Học viện Tài chính năm 2020, Giải nhất cuộc thi Giới thiệu Sách năm 2022 và nhiều Giải thể thao truyền thống CBVC Học viện tổ chức hàng năm. Công đoàn khoa lý luận chính trị nhiều năm được công nhận là Công đoàn bộ phận vững mạnh.
Công đoàn khoa Lý luận chính trị vinh dự đón nhận Giải Nhất Cuộc thi Giới thiệu sách Học viện Tài chính năm 2022
Với việc triển khai tốt công tác thi đua cùng với sự phấn đấu của đoàn viên, từ năm 2019-2023, đã có rất nhiều đoàn viên được các cấp khen thưởng: Công đoàn bộ phận vững mạnh xuất sắc cấp Học viện năm 2019 đến 2021; năm 2022 đạt danh hiệu Công đoàn bộ phận vững mạnh xuất sắc cấp Bộ ; 03 cán bộ công đoàn xuất sắc và 16 đoàn viên xuất sắc các năm học từ 2019-2022; 1 cán bộ công đoàn được công đoàn Bộ Tài chính khen thưởng.
Công đoàn Khoa Lý luận chính trị vinh dự đón nhận Giấy khen của Công đoàn Bộ Tài chính
Hoạt động của Đoàn thanh niên
Chi ủy và ban chủ nhiệm khoa luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Đoàn thanh niên của khoa nói riêng và của Học viện nói chung. Trong những năm gần đây chi đoàn giáo viên đã có những bước tiến đáng kể. Chi đoàn giáo viên luôn phát huy vai trò tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị cho đoàn viên. Tích cực tham gia các phong trào chung của khoa và Học viện.
PGS.TS Vũ Thị Vinh, vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Ngày 24/09/2020 Câu lạc bộ Lý luận trẻ Học viện Tài chính được thành lập theo quyết định số 168/QĐ – ĐTN của Đoàn Thanh niên Học viện Tài chính. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, chủ nhiệm câu lạc bộ lý luận trẻ là Th.S Bùi Xuân Hóa, cùng các thầy cô giáo là đoàn viên chi đoàn giáo viên khoa lý luận chính trị đã góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đoàn thanh niên Học viện đối với sinh viên nhằm: Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường công tác lý luận của Đoàn, góp phần giải quyết những vấn đề mang tính lý luận đặt ra từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực cho đoàn viên, sinh viên Học viện đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ Lý luận trẻ và phát động Cuộc thi “Tuổi trẻ Tài chính học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020
Từ khi được thành lập đến nay, Câu lạc bộ Lý luận trẻ góp phần tạo diễn đàn, sân chơi giúp đoàn viên, thanh niên sinh viên được bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của cá nhân mình đối với những vấn đề giới trẻ quan tâm hiện nay, đặc biệt trên mạng xã hội, các sự kiện chính trị – xã hội trong nước và quốc tế, các luồng tư tưởng khác nhau với những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung về hiện trạng đất nước, các vấn đề cần đặt ra đối với tổ chức Đoàn – Hội trong giai đoạn hiện nay và cùng nhau thảo luận, phân tích, nhận diện đúng sai để hiểu được vấn đề một cách thấu đáo, chính xácMặt khác, Câu lạc bộ Lý luận trẻ đã góp phần tập hợp cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc phản cách mạng của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tích cực, hành động đẹp, việc làm hay của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Học viện. Mặt khác, nắm bắt tư tưởng, tình hình dư luận trong đoàn viên, sinh viên Học viện đóng góp xây dựng các nội dung hoạt động của Đoàn thanh niên Học viện thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Lý luận trẻ cũng là đầu mối để thực hiện triển khai các cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn và Thành Đoàn phát động. Năm 2022, Đoàn Thanh niên Học viện Tài chính vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở đào tạo có số lượng thí sinh đứng thứ hai cả nước tham dự cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2022”. CLB Lý luận trẻ đã trở thành“địa chỉ đỏ” góp phần tuyên truyền, giáo dục, định hướng nhận thức đúng đắn trong sinh viên toàn Học viện.
Trải qua, 60 xây dựng và phát triển, Khoa Lý luận chính trị đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và sự phát triển của Học viện Tài chính nói riêng. Những đóng góp đó đã được ghi nhận qua các năm học, Khoa Lý luận chính trị các bộ môn của khoa đã vinh dự được nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, của Bộ tài chính và Bộ giáo dục đào tạo do có thành tích xuất sác trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô giáo của khoa đã vinh dự nhận được: Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ tài chính và Bộ giáo dục đào tạo; Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Chiến sĩ thi đua ngành tài chính; giáo viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc.
60 xây dựng và phát triển các thế hệ cán bộ, giảng viên Khoa Lý luận chính trị đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tiềm năng, vượt qua muôn vàn khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Học viện giao và đáp ứng tốt cho sự nghiệp phát triển của Học viện Tài chính. Khoa lý luận chính trị đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các khoa lý luận chính trị của các trường đại học và các khoa khác trong Học viện trên các phương diện giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động của các đoàn thể.