Bộ môn Tài chính doanh nghiệp tiền thân là Bộ môn Tài vụ ra đời vào năm 1963. Sau nhiều lần sáp nhập, chia tách, đến tháng 9/1995, Bộ môn chính thức được mang tên: Bộ môn Tài chính doanh nghiệp – mở ra một trang mới trong lịch sử của Bộ môn và từ đó liên tục phát triển cho đến ngày hôm nay. Sự hình thành và phát triển của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp gần như gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (Học viện Tài chính ngày nay). Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về sự trưởng thành, phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ, cũng như vị thế và những đóng góp của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế – tài chính của đất nước.
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng 3 năm 2004
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng 3 năm 2020
- Chặng đường lịch sử của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp trong suốt chiều dài 60 năm hình thành và phát triển:
60 năm – một chặng đường đã đi qua; hôm nay, nhìn lại cái thuở ban đầu đầy gian khó, mùa thu năm 1964, nơi Quang Yên, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nơi lần lượt ra đời và phát triển của các Bộ môn Tài vụ công nghiệp, Tài vụ xây dựng cơ bản, Tài vụ thương nghiệp, Tài vụ nông nghiệp – là tiền thân của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp thuộc Học viện Tài chính ngày nay. Lúc này, các Bộ môn Tài vụ đảm nhiệm giảng dạy hai môn học: môn Tài vụ và môn Phân tích. Dù năm tháng trôi qua, nhưng những hình ảnh về thế hệ Thầy, Cô giáo đầu tiên đặt nền móng ban đầu xây dựng Bộ môn vẫn mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của các thế hệ giáo viên trong Bộ môn: Đó là những người Thầy kính yêu Trương Thừa Uyên, Võ Thành Hiệu, Lưu Văn Nhã, Huỳnh Đình Trữ, Đặng Ngọc Tấn, Lê Thanh Quảng, Lê Quang Vinh, Nguyễn văn Mã, Lê Văn Tiêu, Phan Văn Thể, Lưu Đăng Ba, Đoàn Đoan, Mai Thiệu, Trần Văn Ký, Nguyễn Chí Bền, Trương Trọng Vĩnh, Phan Tử Kỳ, Đỗ Ngọc Dương v.v. Những đêm đông giá buốt năm nào, giữa núi rừng Quang Yên bên ngọn đèn dầu leo lét, những trang đầu tiên giáo trình Tài vụ xí nghiệp dần được hiện lên. Bên núi Thét, Quang Yên, các Bộ môn Tài vụ dần một lớn mạnh. Một lực lượng Thầy, Cô giáo còn rất trẻ được bổ sung cho các Bộ môn, với những cái tên mà sẽ còn được nhiều thế hệ sinh viên nhớ mãi: Trương Mộc Lâm, Nguyễn Tiến Hiền, Trần Quang Vinh, Nguyễn Bính, Phan Anh Hoàng, Lê Duy Hoan, Hoàng Giang, Phùng Thị Minh Tâm… tiếp đó là Nguyễn Đình Kiệm, Nguyễn Thế Khải, Nguyễn Xuân Trường, Lê Tiến Thiềng …rồi Lê Văn Ngữ, Nguyễn Quang Tạo, Nguyễn Văn Châu, Bùi Đạt Quỳ.v.v.
Thầy cô giáo Bộ môn TCDN về dự Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Trường ĐH Tài chính- Kế toán Hà Nội
Có thể nào quên, những năm tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước, dưới làn đạn bom rải thảm từ máy bay B52 của giặc Mỹ, nơi Đạm Nội, Phúc Yên; Thầy, Cô giáo của các Bộ môn Tài vụ vẫn miệt mài, hăng say truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sinh viên trong những giảng đường đại học hiếm có trên thế giới này, với ụ đất và tấm ván thành bàn viết, với tre và nứa thành bục giảng.
Tháng 1 năm 1973 là dấu mốc lớn trong sự phát triển: Bộ môn Tài vụ các ngành được thành lập với Trưởng Bộ môn là Thầy giáo Võ Thành Hiệu. Bộ môn được bổ sung một thành viên mới: thầy giáo Bạch Đức Hiển. Lúc này, môn Phân tích được chuyển sang Khoa Kế toán. Một cuộc chia tay nghĩa tình đầy quyến luyến, sự chia tay của tiến trình phát triển.
Đầu năm 1974, cuộc chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn mới, để tăng cường lực lượng cho tiền tuyến theo quyết định của Bộ Tài chính, một số giáo viên của Bộ môn rời bục giảng vào Nam. Đó là Thầy giáo Lưu Đăng Ba, Lê Văn Ngữ, Nguyễn Văn Tạo đã tham gia vào đoàn quân Nam tiến đó. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả đất nước tưng bừng trong ngày vui đại thắng và rồi trong những ngày, tháng tiếp đó niềm vui lại đến bất ngờ: Cùng với hầu hết các Thầy, Cô giáo và sinh viên Trường Đại học Tài chính – Kế toán, các Thầy Cô giáo Bộ môn Tài vụ đã lên đường hành quân thẳng tiến phương nam để tham dự những chiến dịch kinh tế ở miền Nam. Ngày 04/09/1975, các Thầy Cô giáo trong Bộ môn Tài vụ đã có mặt tại Sài Gòn. Phơi phới niềm vui giữa Thành đô trong những ngày đầu mới giải phóng và kỳ thú thay tại khách sạn Thiên Hồng – Quận 5, Chợ lớn, Bộ môn Tài vụ các ngành đã có cuộc họp mặt với các đồng nghiệp Nam Tiến năm xưa. Đêm phương nam, náo nức nhớ về Quang Yên, Tiền Châu, Đồi Sứ, Đồi Gai…mới ngày nào mà đã 40 năm rồi, một dấu ấn trong đời, nào ai trong cuộc đã dễ quên những ngày tháng ấy.
Sau khi non sông thống nhất, trước yêu cầu mới phát triển của đất nước, Bộ môn có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển để đi đến thế ổn định vững chắc hơn.
Đồi Sứ, Đồi Gai, Sông Cà Lồ, rừng Thanh Lanh và Đại Nải, Xuân Hòa,…Những cái tên gợi nhớ một thời đầy gian khó mà hào hùng: Đêm hè tiếng gầu khua giếng cạn, lửa củi khô thấm đẫm mồ hôi, ngọn đèn dầu nghiêng bên giáo án, mái nhà tranh gió rít từng cơn,…để rồi mãi mãi thành huyền thoại, thành cổ tích. Thị xã Phúc Yên – chính nơi đây chứng kiến nhiều sự kiện đổi thay, tan, hợp trong xu thế đi lên và trưởng thành của Bộ môn.
Sau một thời gian phát triển, tháng 9 năm 1976, Bộ môn Tài vụ các ngành lại tách thành các Bộ môn: Tài chính Công nghiệp, Tài chính Xây dựng cơ bản, Tài chính Thương nghiệp, Tài chính Nông nghiệp. Trong thời gian này, một lực lượng giáo viên trẻ lần lượt được bổ sung cho các Bộ môn: Trần Ngọc Khung, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Công Ty, Đặng Văn Rĩnh, Đặng Trường Sơn, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Thành Đô, tiếp đến là Vũ thị Yến, Tạ Văn Việt, Cao Vũ Hương, Trần Danh Thái, v.v.
Tháng 10 năm 1982, trước yêu cầu mới của đất nước, môn học mới Tài vụ Giao thông vận tải ra đời, các Bộ môn cũng được sắp xếp lại dưới những cái tên mới: Bộ môn Tài chính Công nghiệp, Bộ môn Tài chính Xây dựng cơ bản và Giao thông vận tải (gọi tắt là Bộ môn Tài chính Giao – Xây), Bộ môn Tài chính Thương nghiệp và Nông nghiệp (thường gọi là Bộ môn Tài chính Nông – Thương). Để đáp ứng yêu cầu mới đào tạo cán bộ tài chính cho đất nước một lực lượng cán bộ khoa học được đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài được tăng cuờng cho các Bộ môn như TS. Trương Mộc Lâm, TS Mai Thiệu, TS. Trần Văn Tá, TS. Đỗ Văn Thành và TS. Nguyễn Đình Kiệm. Giai đoạn từ 1981 đến 1985, các Bộ môn được bổ sung một lực lượng khá đông đảo giáo viên trẻ với những cái tên: Nguyễn Văn Khoa, Phạm Văn Liên, Nguyễn Thuỳ Dương, Lê Hồng Thăng, Trần Đình Tuyết, Nguyễn Văn Đát, Hoàng Văn Quỳnh, Vũ Thị Tiến, Bùi Văn Vần, Vũ Văn Đậu, Đinh Việt Tiến, Phạm Công Viển, Vũ Thị Hoa, Mai Văn Dự,và tiếp theo là Phạm Quốc Lộc, Phạm Xuân Tuyên, Trần Ngọc Hà, Phạm Sơn Hoài, Vũ Đình Thuyên, Hoàng Thúy Nguyệt, Đỗ Viết Hùng, Đặng Đình Hào.
Thầy cô giáo Bộ môn TCDN hội ngộ nhân dịp về dự Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20-11-2014
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, để phù hợp với yêu cầu đào tạo mới, các Bộ môn Tài chính lại một lần nữa được tổ chức lại. Tháng 10, năm 1990 ra đời Bộ môn Tài chính doanh nghiệp các ngành sản xuất (gọi tắt là Bộ môn Tài chính doanh nghiệp sản xuất) và Bộ môn Tài chính doanh nghiệp Thương mại dịch vụ (thường gọi là Bộ môn Tài chính Thương mại – Dịch vụ). Lực lượng của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp sản xuất được bổ sung thêm TS. Nguyễn Đăng Nam và giáo viên trẻ Nguyễn Thị Hoài Lê. Bộ môn Tài chính thương mại dịch vụ được tăng cường cô giáo Dương Thị Tuệ. Một dấu ấn trong thời kỳ này đánh dấu bước trưởng thành của cả hai Bộ môn là đã hoàn thành biên soạn và xuất bản cuốn giáo trình Tài chính doanh nghiệp sản xuất và tiếp đó là giáo trình Tài chính doanh nghiệp Thương mại dịch vụ. Đây được xem là cuốn giáo trình đầu tiên về tài chính doanh nghiệp trong cơ chế thị trường khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Tháng 9, năm 1995, Bộ môn chính thức mang tên mới: Bộ môn Tài chính doanh nghiệp – mở ra một trang mới trong lịch sử của Bộ môn và từ đó liên tục phát triển cho đến hôm nay. Trong những năm tháng này, nhiều Thầy, Cô giáo đã đóng góp lớn công sức cho sự phát triển của bộ môn. Đó là PGS.TS Nguyễn Đình Kiệm, TS. Bạch Đức Hiển, PGS.TS Nguyễn Đăng Nam, PGS.TS Vũ Công Ty, TS. Hoàng Văn Quỳnh, TS. Dương Thị Tuệ, TS. Bùi Văn Vần, TS. Nguyễn Minh Hoàng, ThS. Nguyễn Văn Khoa, ThS. Vũ Thị Yến, ThS. Vũ Thị Hoa, TS. Nguyễn Thị Hoài Lê,…
“Thầy cô Bộ môn TCDN- Những năm tháng không quên”
Hiện nay, Bộ môn TCDN là một trong những Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành lớn của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo gồm 21 giảng viên cơ hữu và 04 giảng viên kiêm môn kiêm chức, thỉnh giảng. Bộ môn TCDN là Bộ môn lớn nhất trong Khoa TCDN với số lượng giảng viên chiếm 51% số lượng giảng viên toàn Khoa.
Về chất lượng đội ngũ giảng viên, tính đến nay, Bộ môn đã có 100% giáo viên có học vị từ Thạc sỹ kinh tế trở lên. Trong số 21 giảng viên cơ hữu gồm:
+ 05 Phó giáo sư, 18 tiến sỹ kinh tế (chiếm 85,7%), 03 thạc sỹ kinh tế và đang làm NCS, 05 Giảng viên cao cấp, 09 giảng viên chính.
+ Có 8 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và hiện có 10 giáo viên tham gia giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính.
Đội ngũ giáo viên của Bộ môn hiện nay được đào tạo bài bản, được cập nhật kiến thức quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại trong nền kinh tế thị trường. Một lực lượng giáo viên nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và NCKH, với trình độ chuyên môn sâu, đó là các Thầy Cô: PGS.,TS Bùi Văn Vần, PGS.TS. Vũ Văn Ninh, PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh, PGS.,TS. Nguyễn Thị Hà, TS. Phạm Thị Vân Anh, PGS.,TS. Phạm Thị Thanh Hòa, TS. Đặng Phương Mai, TS Bạch Thị Thanh Hà, …đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của Bộ môn. Bộ môn có 3/4 là các Thầy, cô giáo trẻ, đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và NCKH. Lực lượng giáo viên trẻ của Bộ môn đang chắt lọc gìn giữ, kế thừa xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các thế hệ Thầy, Cô giáo lớp trước, đồng thời vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Đội ngũ giáo viên của Bộ môn TCDN ngày nay
Trong những năm gần đây, trước những đổi thay mạnh mẽ của đất nước, nhu cầu về nguồn nhân lực quản trị tài chính của các doanh nghiệp ngày càng lớn, Học viện Tài chính đã và đang mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực tài chính đáp ứng nhu cầu xã hội, chính vì vậy Bộ môn đã được bổ sung thêm một đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn tốt để đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng lớn mạnh của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, các Thầy Cô đó là: TS.Nguyễn Thị Bảo Hiền, TS Trần Thanh Thu, TS Ngô Kim Hòa, TS Bùi Hà Linh, TS Nguyễn Trường Giang, TS Nguyễn Thu Hà, TS Hồ Quỳnh Anh, ThS.NCS Nguyễn Thị Thùy Linh, ThS. Bùi Thu Hà, TS Phạm Minh Đức, TS Nguyễn Thu Thương, TS Hoàng Phương Anh và ThS Hoàng Mỹ Linh. Đây hứa hẹn là đội ngũ giáo viên trẻ kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Bộ môn trong tương lai.
Thầy cô giáo Bộ môn TCDN chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
- Về hoạt động đào tạo:
Bộ môn đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho đất nước. Hiện nay, bộ môn đảm nhiệm các môn học: Tài chính doanh nghiệp; Tài chính doanh nghiệp thực hành; Tài chính doanh nghiệp bằng Tiếng anh; Tài chính tập đoàn kinh tế; Quản trị tài chính doanh nghiệp, với các cấp đào tạo: Cử nhân; thạc sỹ; tiến sỹ. Tính đến nay, Bộ môn đã:
+ Tham gia đào tạo trên 15.500 sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp; trên 10.000 kế toán trưởng và kiểm toán viên; trên 9.000 giám đốc các doanh nghiệp, trên 8.000 Thạc sĩ và hơn 150 Tiến sĩ cho ngành tài chính và cho đất nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo sau đại học của Học viện Tài chính.
+ Tham gia đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ tài chính cho hai nước bạn Lào và Campuchia, nhiều Thầy giáo của Bộ môn đã tham dự các chuyến giảng dạy tại Viêng Chăn và Phnôm Pênh.
Bạch Đức Hiển- nguyên Trưởng Bộ môn TCDNtham gia giảng dạy tại nước bạn Lào
Từ năm 2016, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có năng lực tiếng Anh và kỹ năng làm việc tốt , Học viện Tài chính đã đào tạo chương trình chất lượng cao chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp. Với nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh với phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm và tích cực áp dụng mô hình thực tiễn vào học tập; thảo luận nhóm; thuyết trình; làm seminar thực hiện các bài tập hình huống, tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, tham quan học tập tại nước ngoài study tour…, Ngoài ra, Bộ môn cũng chủ động đưa sinh viên các lớp chất lượng cao đi thực tế môn học tại: Tổng công ty 319, CTCP kim khí Hà Nội, công ty ABB Việt Nam, công ty KPMG Việt Nam, công ty IBM Việt Nam, Tập đoàn An Phát, công ty Honda Việt Nam,…
Báo cáo thực tế cho sinh viên chuyên ngành TCDN CQ57/11
- Về hoạt động nghiên cứu khoa học:
Trong quá trình phát triển, bộ môn Tài chính doanh nghiệp thường xuyên chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học. Bộ môn Tài chính doanh nghiệp thường xuyên quan tâm và dành nhiều thời gian đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, bài giảng; thực hiện các đề tài NCKH các cấp để phục vụ cho việc giảng dạy của Học viện Tài chính và phục vụ cho việc hoạch định chính sách tài chính của Bộ Tài chính. Cụ thể:
-Một trong những công việc liên tục thu hút nhiều công sức đóng góp của các thế hệ đội ngũ giáo viên trong Bộ môn là biên soạn giáo trình. Cho đến nay, Bộ môn đã chủ trì, tham gia biên soạn gần 40 giáo trình, sách bài tập và sách chuyên khảo, tham khảo có chất lượng cao phục vụ cho việc giảng dạy như: giáo trình Tài chính doanh nghiệp; Basic Corporate Finance; Corporate Finance- Questions and Exercises; Corporate finance Case study and Assignment; Tài chính Tập đoàn kinh tế; Strategic Financial Analysis & Valuation – Exercises & Assignments; Lập và quản lý ngân sách doanh nghiệp; Quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp; Sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp- Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam; Hệ thống câu hỏi và bài tập Tài chính doanh nghiệp; Bài tập lớn Tài chính doanh nghiệp; Tài chính doanh nghiệp- 300 câu hỏi trắc nghiệm; Tài chính doanh nghiệp- Lý thuyết và bài tập thực hành căn bản; Hướng dẫn trả lời câu hỏi trắc nghiệm, làm bài tập thực hành tài chính doanh nghiệp; Đầu tư vốn trong Tập đoàn kinh tế- Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam; Vai trò và các vấn đề tài chính chiến lược trong Doanh nghiệp Nhà nước;…
Một số đầu sách do Thầy cô Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp biên soạn
- Số lượng đề tài các cấp, bài báo khoa học rất nhiều: 08 đề tài cấp Nhà nước, 23 đề tài cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp Học viện, cấp Khoa, đã viết được hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải trên các hội thảo quốc tế, Tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài Học viện. Nhiều bài báo có chất lượng cao và được trao giải best paper tại các Hội thảo Quốc tế. Giảng viên bộ môn tham gia vào ban biên tập, ban tổ chức, chủ tọa trong hầu hết các hội thảo khoa học quốc tế do Học viên tổ chức hoặc đồng tổ chức. Đặc biệt tính đến nay bộ môn có 09 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín như ISI, Scopus.
PGS.TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Giám đốc Học viện cùng với PGS.TS. Vũ Văn Ninh – Trưởng khoa TCDN và PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN tại Hội thảo liên kết
khoa Kế toán và khoa Tài chính Doanh nghiệp
- Nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, Bộ môn đã tổ chức các chương trình đi thực tế dành cho các giảng viên: thăm quan, khảo sát về công tác quản trị tài chính tại Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng, cử giảng viên xuống học hỏi, nắm bắt thực tế tại Tổng Công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Cục thuế Phú Thọ,… Ngoài ra, Giáo viên bộ môn tham gia vào nhiều Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ, Luận văn Cao học của các cơ sở đào tạo trong và ngoài học viện.
- Nhằm tăng kiến thức thực tế cho sinh viên chuyên ngành, hàng năm bộ môn mời các báo cáo viên tại các Doanh nghiệp, Bộ, ban, ngành về báo cáo thực tế cho sinh viên các kiến thức về quản trị TCDN.
- Hàng năm, Bộ môn đều tổ chức buổi gặp mặt các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn; trao đổi khoa học, định hướng cho NCS hoàn thành đúng tiến độ nghiên cứu; tổ chức các buổi toạ đàm góp ý về nội dung luận án trước khi đưa ra bảo vệ cấp Bộ môn để nâng cao chất lượng luận án.
- Bên cạnh đó, giáo viên Bộ môn tham gia hướng dẫn SV NCKH đạt được nhiều thành tích cao: Cấp Bộ giáo dục; Eureka toàn quốc; Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc Olympic kinh tế lượng và ứng dụng.
- Mặt khác, Bộ môn còn tham gia cố vấn về nội dung, về cách thức tổ chức cho cuộc thi Giám đốc tài chính tương lai – CFO- một sân chơi trí tuệ cao về chuyên môn quản trị tài chính doanh nghiệp dành cho sinh viên hàng năm.
Đạt được kết quả như ngày hôm nay, một phần rất quan trọng là do Bộ môn thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao. Nhiều giáo viên của Bộ môn được cử đi tham dự các khóa học nâng cao trình đô chuyên môn ở nước ngoài và trong nước.
- Về các hoạt động phong trào
Trong suốt thời gian qua, Bộ môn luôn gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và tham gia các phong trào của Khoa và Học viện phát động. Giáo viên của Bộ môn luôn là nòng cốt trong cấp ủy, công đoàn và Liên chi đoàn của Khoa; khởi xướng và tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào văn hoá, thể thao, thiện nguyện; thi giáo viên giỏi toàn quốc; cuộc thi giới thiệu sách chuyên ngành đều đạt được giải thưởng cao,…
Đặc biệt nhằm góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp. Tháng 12 năm 2020, bộ môn đã thành lập quỹ “Kết nối trái tim” với số huy động ban đầu là 220 triệu đồng. Quỹ “Kết nối trái tim” hỗ trợ, động viên khuyến khích sinh viên TCDN trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện và tham gia hoạt động xã hội.
Nhằm phát huy truyền thống, Bộ môn TCDN cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt các thế hệ giảng viên. Qua đó, giúp cho các thế hệ tiếp nối có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tự học tập bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mới và xứng tầm với sự nghiệp đào tạo của Học viện và của đất nước.
Năm 2022, bộ môn đã tổ chức cuộc thi thiết kế logo và tìm hiểu về chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, lan toả sự yêu mến chuyên ngành đến với tất cả các thế hệ thầy và trò trong và ngoài Học viện.
Hàng năm, cứ đến dịp lễ, tết, nghỉ hè, bộ môn tổ chức cho toàn thể giáo viên và gia đình đi tham quan, nghỉ mát nhằm tăng tình đoàn kết, gắn bó, thân thiết giữa các thầy cô.
- Về thành tích thi đua khen thưởng:
60 năm xây dựng, phát triển và liên tục phấn đấu, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính cũng như sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho đất nước. Những đóng góp ấy đã được ghi nhận: liên tục trong nhiều năm học, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã được tặng Bằng khen của Bộ Tài chính, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mốc son sáng ngời đánh dấu sự phát triển và đóng góp của Bộ môn, đó là vào năm 2004 và năm 2020 Bộ môn Tài chính doanh nghiệp vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch Nước cộng hoà XHCN Việt Nam trao tặng, do có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc,… Những năm vừa qua, nhiều Thầy, Cô giáo của Bộ môn do có nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ Tài chính và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính, Giáo viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc, và các danh hiệu nhà giáo nhân dân; nhà giáo ưu tú, trong đó, ba Thầy giáo đã được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước phong tặng là Nhà giáo ưu tú, hai Thầy giáo và một cô giáo được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, một thầy giáo được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Hai do đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, một Thầy giáo của Bộ môn đã được Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba do có công lao và thành tích to lớn trong vịêc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài chính của nước CHDCND Lào góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai dân tộc.
- Phương hướng phát triển bộ môn trong thời gian tới:
- Tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp 60 năm qua đã được các thế hệ thầy cô bộ môn dầy công xây dựng, vun đắp và phát triển.
- Về đào tạo: Tiếp tục và mở rộng hơn nữa vào sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhân lực tài chính cho đất nước, vươn tầm đào tạo sang các nước bạn trong khu vực và thế giới, trên tất cả các hệ, các chương trình (đào tạo nghiên cứu sinh, cao học, cử nhân chương trình chuẩn, chất lượng cao, song ngành, liên thông, bằng 2, vừa làm vừa học, từ xa,…). Thường xuyên cập nhật, đổi mới, hiện đại hoá phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng người học; gắn kết lý luận vào thực tiễn, tăng cường thực hành môn học; tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tin học chất lượng cao.
- Về NCKH: Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng hệ thống học liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Tiếp tục thực hiện đề tài NCKH các cấp phục vụ cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của HVTC và cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt đẩy mạnh các công bố quốc tế nâng cao vị thế của bộ môn, góp phần nâng cao vị thế của HVTC trên trường quốc tế. Tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học mang lại những sản phẩm khoa học đạt chất lượng tốt nhất và tham gia đạt giải thưởng các cấp. Tiếp tục tổ chức các chương trình, các sân chơi trí tuệ, mang tính hội nhập và sáng tạo cao.
- Về hoạt động phong trào: Tiếp tục sáng tạo, tổ chức nhiều hơn nữa các phong trào, các hoạt động bề nổi nhằm lan toả và truyền thông vị thế của bộ môn ngày càng sâu rộng.
- Về thành tích thi đua khen thưởng: trong thời gian tới, bộ môn và các cá nhân giảng viên bộ môn sẽ phấn đấu đạt được những thành tích thi đua, khen thưởng bậc cao hơn, đóng góp vào bề dày thành tích chung của bộ môn, của Khoa và của Học viện.
LỜI KẾT
Toàn thể các Thầy, Cô giáo Bộ môn Tài chính doanh nghiệp luôn tâm niệm rằng những thành tích mà Bộ môn đạt được là sự kết tinh của quá trình phấn đấu liên tục trong suốt hơn 60 năm qua của các thế hệ Thầy, Cô giáo trong Bộ môn dưới sự lãnh đạo và sự quan tâm sâu sắc của Đảng Uỷ, Ban Giám đốc Học viện các nhiệm kỳ đã qua và hiện nay. Sự lớn mạnh của Bộ môn hôm nay cũng một phần không nhỏ là nhờ vào sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các Ban, Phòng, của các Khoa, các Bộ môn trong Học viện cũng như nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ động viên của các đồng nghiệp, đồng chí trong và ngoài Học viện Tài chính.
Đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đang đứng trước triển vọng to lớn, nhưng những nhiệm vụ nặng nề và những thách thức mới cũng đang đặt ra cho Bộ môn. Toàn thể các Thầy, Cô giáo của Bộ môn nguyện đồng tâm chung sức phát huy truyền thống của Bộ môn, phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tự học tập bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mới và xứng tầm với sự nghiệp đào tạo của đất nước.
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp – 60 năm xây dựng, phát triển và liên tục phấn đấu; trong quá trình đó, mặc dù có lúc thăng, trầm, nhưng vượt lên tất cả là tinh thần nỗ lực vươn lên, là chữ Tâm với đồng chí đồng nghiệp, với sinh viên của mỗi Thầy, Cô giáo ở Bộ môn này. Thử thách là to lớn nhưng tương lai phía trước rộng mở, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đang trên con đường lớn, không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng trưởng thành, vững mạnh./.
Một số hình ảnh khác:
Thầy cô Bộ môn TCDN đi thực tế tại Công ty TNHH thiết bị Gia Hưng
PGS.TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Giám đốc Học viện, PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN cùng các thầy cô và các em sinh viên tại Hội thi Kinh tế lượng và ứng dụng
Chung kết cuộc thi CFO – Giám đốc Tài chính tương lai 2022
Thầy cô Bộ môn TCDN ra mắt quỹ “Kết nối trái tim” dành cho sinh viên
Trao thưởng cho tân sinh viên K60 lấy từ quỹ “Kết nối trái tim”
Thầy cô bộ môn TCDN tại buổi sinh hoạt chuyên môn
Thầy cô bộ môn TCDN cùng diễn giả báo cáo về “Hoạch định tài chính cá nhân”
PGS.TS. Trương Thị Thuỷ – PGĐ Học viện cùng Thầy cô Bộ môn TCDN tại cuộc thi “Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc”
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Hoà- GV Bộ môn TCDN chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế
- Trần Thanh Thu – Giảng viên Bộ môn TCDN chủ trì Hội thảo quốc tế
PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp tại HT 700
Thầy cô Bộ môn TCDN đi thực tế tại Nhà máy giấy “Bãi Bằng”
Thầy cô Bộ môn TCDN cùng BCV tại buổi Báo cáo thực tế cho SV CN TCDN
Thầy cô Bộ môn TCDN đi thực tế tại Công ty TNHH thiết bị Gia Hưng
Thầy cô Bộ môn TCDN đi thực tế tại Nhà máy giấy “Bãi Bằng”
Bộ môn TCDN khen thưởng cho sinh viên đạt Thủ khoa Chuyên ngành TCDN Chương trình CLC
Bộ môn TCDN đạt giải Giải nhì trong Cuộc thi Giới thiệu Sách Học viện Tài chính năm 2022
Thầy cô cùng các SV Bộ môn TCDN trong Lễ bế giảng và Trao bằng tốt nghiệp dành cho Hệ đại học Chính quy Khóa 56
Đoàn Tthầy cô bộ môn TCDN và sinh viên lớp CQ54-11CLC chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn An Phát và CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát.
PGS.,TS Đoàn Hương Quỳnh- Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp
PGS.,TS Nguyễn Thị Hà- Phó Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các bản giới thiệu, các tư liệu từ các bài viết về bộ môn và chuyên ngành tài chính doanh nghiệp các năm: 2017, 2018, 2019, 2020, 2021