TS. Đỗ Đình Thu
Trưởng Bộ môn Tài chính – Tiền tệ
60 năm xây dựng và phát triển của Bộ môn Tài chính tiền tệ là cả quá trình của chặng đường dài hơn nửa thế kỷ. Trong chặng đường này, Bộ môn đã trải qua rất nhiều sự thay đổi, nhiều sự kiện qua trọng. Nhiều thế hệ giảng viên kế tiếp nhau đã đem hết tâm huyết, sức lực, trí tuệ vượt qua mọi khó khăn để xây dựng và phát triển Bộ môn.
Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, Bộ môn xin được khái quát những nội dung căn bản theo từng thời kỳ, tái hiện lại con đường đã qua để thấy được sự phát triển của Bộ môn. Qua đó, các thế hệ giảng viên có quyền tự hào về sự cống hiến của mình. Các thế hệ giảng viên mới tiếp bước quá khứ vẻ vang của Bộ môn và các bậc đàn anh đàn chị đi trước, quyết tâm đưa Bộ môn Tài chính – Tiền tệ lên tầm cao mới, trong thời đại mới của đất nước cùng với sự phát triển trong sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính.
Năm 1963 cùng với việc thành lập “Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương”, Bộ môn Tài chính học (nay là “Bộ môn Tài chính – Tiền tệ”) cũng được thành lập. Đến nay (2023) trải qua 60 năm với rất nhiều biến cố lịch sử của đất nước, của trường, Bộ môn luôn có sự phấn đấu liên tục, vượt mọi khó khăn, từng bước xây dựng và trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Kết quả phấn đấu trưởng thành trong 60 năm qua được khái quát qua các thời kỳ sau đây:
- Thời kỳ 1963 – 1969
Trong thời kỳ này, cơ sở của trường đặt tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là bệnh viện E). Năm 1965 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Trường, Khoa và Bộ môn phải đi sơ tán lên Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Khoa và Bộ môn ở tại rừng xà cừ thôn Tam Đa, xã Lãng Công, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ sở vật chất chỉ là nhà tranh vạch nứa do sinh viên tự làm. Bục giảng và bàn ghế trên lớp học chỉ là đóng cọc xuống đất trên gác khung tre nứa đập dập trải ra làm bàn viết. Điều kiện phục vụ cho giảng dạy nghiên cứu và học tập chỉ có một thư viện nhỏ của trường với số lượng đầu sách rất ít. Đời sống vật chất và tinh thần vô cùng khó khăn. Cơm chỉ có 1/3 gạo còn 2/3 độn ngô, khoai, sắn.
Địa bàn giảng dạy của Bộ môn trải rộng trên 6 thôn của hai xã miền núi Lãng Công, Quang Yên cách nhau 5 đến 6km đi bộ và đi bằng xe đạp “cọc cạch”. Vạn sự khởi đầu nan, khó khăn là thế, xong Bộ môn đã trụ vững và đã xây dựng được nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Bộ môn ngày nay.
Ban đầu tên của bộ môn là ”Bộ môn Tài chính ”, Môn học giảng dạy là Tài chính học, giảng dạy đào tạo cho đại học chính quy tập trung, đại học chuyên tu tập trung; Đội ngũ giáo viên có 04 giảng viên là Thầy Nguyễn Văn Thụy: Phụ trách Bộ môn, là cán bộ thực tế chuyển về; Thầy Lê Thế Tường: Về bộ môn 1964 từ trường Kinh tế Kế hoạch; Thầy Huỳnh Ngọc Khanh: Về trường 1965, sinh viên chuyên tu 1; Thầy Ngô Mậu: Về trường 1967, sinh viên chuyên tu 2.
Nguyễn Văn Thụy Phụ trách Bộ môn, là cán bộ thực tế chuyển về 1963 |
Huỳnh Ngọc Khanh Về trường 1965 sinh viên chuyên tu 1 |
Giai đoạn này môn mới thành lập nên chưa có giáo trình. Bài giảng cho sinh viên do mỗi giáo viên tự biên soạn. Sinh viên nghe giảng, ghi chép, không có tài liệu tham khảo. Cụm từ “giảng chay học chay” xuất hiện ở thời kỳ này.
Về nghiên cứu khoa học: Công tác nghiên cứu khoa học thời kỳ này chủ yếu tập trung viết bài giảng gốc đặt nền móng về nội dung đào tạo của bộ môn và tham gia các hội thảo về xây dựng chương trình.
Mặc dù có những khó khăn ban đầu, Bộ môn cũng đã tạo dựng được nền móng cho tương lai phát triển của mình. Thời kỳ này Bộ môn đã tham gia đào tạo được 3 khóa chuyên tu: Chuyên tu 1,2,3 và 5 khóa đại học dài hạn.
- Thời kỳ 1970 – 1975
Mỹ ngừng cuộc chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc. Năm 1971 trường, Khoa, Bộ môn tháo dỡ cơ sở vật chất ở nơi sơ tán di dời địa điểm về thị trấn Phúc Yên và các thôn xã quanh thị trấn. Khoa Ngân sách và Bộ môn đóng tại thôn Khả Do, xã Nam Viêm, thị trấn Phúc Yên. Năm 1972, Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá lại miền Bắc, giáo viên và sinh viên phải tạm thời đi sơ tán và trở về sau khi hết chiến dịch B52. Năm 1973, Khoa Ngân sách được sáp nhập với Khoa Tài vụ thành Khoa Tài chính. Cùng năm này, Bộ môn di chuyển địa điểm từ thôn Khả Do, xã Nam Viêm đến xã Đạm Nội.
Tới năm 1975, một lần nữa, Bộ môn lại chuyển cơ sở từ xã Đạm Nội ra địa điểm chính tại đồi Xứ, thị trấn Phúc Yên. Cơ sở vật chất của thời kỳ này, gồm nhà ở và hội trường, được làm lại bằng tranh, tre tháo dỡ từ nơi sơ tán mang về. Phần lớn sinh viên phải ở nhờ trong nhà dân. Phương tiện và điều kiện giảng dạy học tập còn rất thô sơ nghèo nàn, địa bàn giảng dạy trải rộng qua các thôn, xã quanh Phúc Yên, Khả Do, Xuân Phương, Đạm Nội, Tiền Châu,v.v…Phương tiện đi lại giảng dạy vẫn là đi bộ hoặc xe đạp “bó lốp”. Mặc dù khó khăn tăng thêm, di chuyển địa điểm liên tục, song Bộ môn vẫn ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tên Bộ môn trong thời kỳ này là: “BM Tài chính học”. Đội ngũ giáo viên tăng lên 10 người, thầy Lê Thế Tường làm trưởng Bộ môn; thầy Ngô Mậu làm Phó trưởng Bộ môn, Bộ môn đảm nhiệm giảng dạy cho các lớp Đại học chính quy tập trung; Đại học chuyên tu tập trung; Đại học tại chức ở một số tỉnh. Giáo trình giảng dạy gồm 2 phần: i) Tài chính học; ii) Tài chính tư bản chủ nghĩa.
Do không có cơ sở in, tài liệu học tập chỉ được in rô-nê-ô trên loại giấy đen một mặt nhẵn để phát cho sinh viên làm nguồn tài liệu chính phục vụ học tập.
Mặc dù vậy, tài liệu này vẫn giữ vai trò quan trọng và luôn được nghiên cứu bổ sung nâng cấp bài giảng gốc phần Tài chính học, Tài chính tư bản chủ nghĩa viết thành tài liệu giảng dạy học tập in rô-nê-ô lưu hành nội bộ là cơ sở kiến thức để viết giáo trình sau này. Song song với giảng dạy bộ môn luôn tích cực tham gia các cuộc hội thảo đề án đào tạo các chuyên ngành và hoàn thiện chương trình nội dung các môn học của trường, của khoa.
Thầy Lê Thế Tường Về Bộ môn 1964 từ trường Kinh tế Kế hoạch, Trưởng Bộ môn (1972-1975; 1975-1981) |
Thời kỳ này, lực lượng giảng dạy của Bộ môn được tăng gấp đôi. Nội dung đào tạo của môn học đã được định hình tương đối đầy đủ. Bộ môn đã tham gia đào tạo khóa chuyên tu 4, 5, khóa đại học dài hạn K6, 7, 8, 9, 10 và 2 khóa đại học tại chức ở Hải Phòng và Nam Định.
- Thời kỳ 1976 – 1978
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã chấm dứt chiến tranh, hoà bình trở lại trên toàn quốc. Nhà trường tập trung toàn bộ sinh viên cán bộ giáo viên về địa điểm của trường tại địa điểm Phúc Yên. Về cơ sở vật chất, lớp học và nhà ở vẫn là bằng tranh tre, gỗ ván mùn cưa ép lợp tôn. Đời sống vật chất theo chế độ tem phiếu nhưng không đủ hàng để mua, không có điện, nước giếng thiếu thốn. Phương tiện phục vụ cho giảng dạy và học tập có được bổ sung nhưng vẫn hết sức nghèo nàn vì đang giải quyết hậu quả của chiến tranh. Tuy nhiên, về địa bàn giảng dạy đã thuận lợi hơn do được tập trung trong phạm vi trường.
Tên Bộ môn thời kỳ này là: Tài chính học; Giảng dạy với môn “Tài chính học” gồm 2 phần. “Tài chính học” đến năm 1985 đổi tên thành “Tài chính CNXH Việt Nam” và “Tài chính tư bản chủ nghĩa”, đào tạo đại học dài hạn tập trung, đại học tại chức ở nhiều tỉnh. Đội ngũ giáo viên có chuyển đi và bổ xung về tổng số Bộ môn vẫn là 10 người, Thầy Lê Thế Tường là trưởng Bộ môn, Thầy Dương Đăng Chinh là Phó trưởng Bộ môn. Chất lượng giảng viên ngày càng nâng cao có giáo viên được đào tạo từ nước ngoài (Thầy Trần Danh Đoàn: Về Bộ môn năm 1978, SV Liên Xô về). Thời kỳ này Bộ môn vẫn tiếp tục sử dụng tài liệu giảng dạy học tập được in rô-nê-ô luôn được bổ sung sửa đổi hoàn thiện nội dung. Công tác Nghiên cứu khoa học của BM không ngừng phát triển BM đã hoàn thành đề tài tập thể cấp trường, tên đề tài: “Đảng ta với vấn đề Tài chính” năm 1977. Tham gia nhiều hội thảo khoa học của khoa của trường, tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo các chuyên ngành.
NGƯT.PGS,TS. Dương Đăng Chinh Tiến sỹ, Phó giáo sư (2001) – Nghỉ hưu 2007 Phó trưởng BM (1976 -1978, 1979-1982); Trưởng BM (1982-1989, 1995-2000)
|
Mặc dù chỉ trong thời gian 3 năm, nhưng bộ môn đã có nhiều cố gắng, chuẩn bị các điều kiện bước đệm cho thời kỳ sau phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn. Khối lượng giảng dạy nhiều, chiếm phần lớn thời gian làm việc của các giáo viên bộ môn. Bộ môn đã tham gia đào tạo khoá chuyên tu 5 và 3 khoá Đại học dài hạn: khoá 11, 12, 13.
- Thời kỳ 1979 – 1989
Năm 1979. Bộ quyết định xây dựng cơ sở trường kiên cố tại Phúc Yên. Cơ sở vật chất của trường dần dần được xây dựng khang trang hơn và cơ bản hoàn thành năm 1989. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện đáng kể (có nơi ở, có điện nước). Điều kiện mở rộng quan hệ với các trường trong nước, quốc tế và các trung tâm nghiên cứu được thuận lợi hơn. Nhà trường bắt đầu quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ giáo viên ở tại trường và gửi đi đào tạo ở nơi khác. Đây là thời kỳ khởi đầu của việc thực hiện song song hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thầy Trần Quốc Khánh Thời gian công tác tại BM: 1969- 1984, 1990-1991 Phó trưởng Bộ môn (1980-1984) |
ThS. Nguyễn Sỹ Văn Thời gian công tác: 1969-2002 Thạc sỹ 1994 Phó trưởng Bộ môn (1983-1989); Trưởng Bộ môn (1990-1994) |
Chính điều kiện khách quan trên đòi hỏi bộ môn phải tăng số lượng giáo viên để thay nhau đi học tập nâng cao trình độ. Đội ngũ giáo viên giai đoạn nay có15 người trong đó có 1 tiến sỹ (Thầy Trương Mộc Lâm về Bộ môn năm 1980 sau khi hoàn thành nghiên cứu tiến sỹ tại Liên Xô; Cô Võ Thị Pha học ở Tiệp Khắc về Bộ môn năm 1980). Lãnh đạo của Bộ môn thời kỳ này có Thầy Lê Thế Trường _ Trưởng Bộ môn (năm 1982 chuyển công tác), thầy Dương Đăng Chinh (Phó trưởng bộ môn năm 1979 và Trưởng bộ môn năm 1982); thầy Trần Quốc Khánh (Phó trưởng bộ môn1980; năm 1984 chuyển sang công tác khác và là giảng viên kiêm chức); Thầy Nguyễn Sỹ Văn (Phó trưởng bộ môn1983). Đồng thời để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cán bộ của xã hội, Bộ môn cũng đã nhanh chóng cải tiến hoàn thiện nội dung môn học và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ đào tạo được giao.
GS,TSKH. Trương Mộc Lâm Về BM 1980; Tiến sỹ tại Liên Xô cũ (Nga); Rời Bộ môn 1983 |
Tên Bộ môn giai đoạn này là ”Tài chính học” giảng dạy bậc đại học với tài liệu học tập là “Tài chính học” (từ 1985 là “Tài chính CNXH Việt Nam”). Nội dung gồm 2 phần: “Tài chính học” (Tài chính chủ nghĩa xã hội Việt Nam) và “Tài chính tư bản chủ nghĩa”, giáo trình in ty-pô. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được chú trọng, quan tâm nhiều hơn và đã đạt những thành công đáng ghi nhận. Bộ môn đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học như: “Quản lý tài chính và cơ chế quản lý tài chính” (cấp Bộ Tài chính) năm 1981; Đề tài “Hồ Chí Minh với vấn đề Tài chính “đề tài cấp Bộ Tài chính, năm 1983; “Chính sách đầu tư cho giáo dục đại học và Trung học chuyên nghiệp” (cấp Bộ GD – ĐT) năm 1984; “Lịch sử Tài chính Việt Nam 1945-1954” (cấp Bộ Tài chính) năm 1985; Hội thảo khoa học đề tài: “Chính sách Tài chính Quốc gia….
Với những điều kiện khách quan thuận lợi và những đòi hỏi của công tác đào tạo, thời kỳ này Bộ môn đã có những bước phát triển đáng kể và toàn diện. Số lượng giáo viên tăng nhanh, quy mô đào tạo mở rộng, nhất là hệ Tại chức. Chất lượng đào tạo của bộ môn được tăng cường thể hiện qua giáo trình, giáo khoa và nghiên cứu khoa học.
Thời kỳ này đã tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo. Bộ môn đã tham gia đào tạo khoá chuyên tu 6, các khoá dài hạn từ 14 đến khóa 24 và các khoá Tại chức.
- Thời kỳ 1990 – 1994
Bắt đầu từ 1990, nhà trường lại có sự biên động về địa điểm, tiếp nhận cơ sở của trường Tổ chức kiểm tra Trung ương tại Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội.
Khoa Tài chính cùng các bộ môn và sinh viên của khoa là đơn vị đầu tiên di dời từ cơ sở Phúc Yên về Đông Ngạc (nay là phường Đức Thắng- Bắc Từ Liêm), tiếp quản một cơ sở nhà mái ngói cũ nát, cỏ ngập ngang người, điện, nước khó khăn không ổn định, lúc có lúc không. Mọi hoạt động của Bộ môn đều phụ thuộc vào cơ sở chính ở Phúc Yên. Địa điểm của Khoa và Bộ môn vừa là nơi đào tạo vừa là công trường xây dựng lớn, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên trở lại khó khăn. Nhiệm vụ giảng dạy chính vẫn ở Phúc Yên và các lớp Tại chức các tỉnh, điều kiện phục vụ cho nghiên cứu ở cơ sở mới lại hết sức thiếu thốn. Mặc dù có những khó khăn hẫng hụt về cơ sở vật chất nhưng tinh thần lại rất phấn khởi vì trường được về Hà Nội phù hợp với ước nguyện của mọi người. Vì vậy toàn thể giáo viên trong Bộ môn quyết tâm khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Đội ngũ giáo viên của Bộ môn: Tổng 11 người trong đó có 1 tiến sỹ, 1 Thạc sỹ. Thầy Nguyễn Sỹ Văn (Trưởng Bộ môn, Thạc sỹ 1992). Thầy Phạm Ngọc Ánh (Phó trưởng bộ môn). Tên Bộ môn vẫn là “Bộ môn Tài chính học”. Môn học giảng dạy Bậc đại học: Môn “Tài chính Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam “(năm 1993 đổi thành “Tài chính học”) và Môn “Thanh tra Tài chính”. Môn “Thanh tra Tài chính” đây là môn học mới được xây dựng từ đầu. Các môn học của Bộ môn được giảng dạy cho tất cả các hệ đào tạo của trường: Đại học chính quy tập trung, Đại học Tại chức, Đại học Chuyên tu Tại chức.
NGƯT.PGS,TS. Phạm Ngọc Ánh Về BM 1978, Phó trưởng BM 1992 -1999 |
Về nghiên cứu khoa học của Bộ môn trong thời kỳ này có một số công trình tiêu biểu như tham gia nghiên cứu: Đề tài ” Luận cứ khoa học của việc đổi mới chính sách và cơ chế quản lý tài chính” (cấp Nhà nước mã số KX 03/07/1993); ”Một số vấn đề phương pháp luận về xây dựng chính sách tài chính quốc gia trong chặng đường hiện nay ở nước ta” (cấp trường 1993). Tham gia hội thảo Đề tài: “Bàn về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý tài chính trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam” (cấp trường năm 1993).
Tóm lại trong thời kỳ này mặc dù trong điều kiện khó khăn rất lớn, phát sinh do chuyển đổi địa điểm, nhưng Bộ môn đã tiếp tục phát triển, công tác giảng dạy luôn được đảm bảo, đảm nhiệm thêm môn học mới, thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giáo viên bắt đầu được nâng cao chất lượng có thêm 01 Thạc sỹ, 01 Tiến sỹ đào tạo tại trường, Phạm vi giảng dạy mở rộng sang Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Campuchia.
- Thời kỳ 1995 – 2000
Trường đã cơ bản xây dựng xong cơ sở vật chất tại Đông Ngạc (Phường Đức Thắng) và chuyển toàn bộ trường về cơ sở Đông Ngạc (Phường Đức Thắng) bắt đầu thời kỳ an cư lạc nghiệp. Cơ chế bao cấp của Nhà nước được xoá bỏ thay thế bằng cơ chế thị trường nên đời sống vật chất của giáo viên được cải thiện lớn. Điều kiện vật chất phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học được trang bị đã có nhiều cải thiện, xu thế mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập với các nước là một đòi hỏi hết sức cấp bách phải nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết là chất lượng của đội ngũ giáo viên ngang tầm với các trường tốp đầu và yêu cầu của đất nước. Đồng thời cần nhanh chóng đổi mới nội dung giảng dạy cho phù hợp với đổi mới kinh tế của đất nước. Đây là động lực thôi thúc Bộ môn và giáo viên phải nhanh chóng vươn lên. Nhà trường đã đưa việc đào tạo sau đại học và trên đại học trở thành nhiệm vụ mới, là điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên Bộ môn và nâng bậc đào tạo của Bộ môn. Đội ngũ giáo viên Số lượng 12 người trong đó có: 5 tiến sỹ, 4 thạc sỹ; Lãnh đạo Bộ môn có Thầy Dương Đăng Chinh: Trưởng BM, Tiến sỹ (1995), Thầy Phạm Ngọc Ánh _Tiến sỹ (1995): Phó Trưởng Bộ môn (đến 1999).
Tên Bộ môn: Đổi thành “Bộ môn Lý thuyết Tài chính”, Bộ môn vẫn đảm nhiệm hai môn học là: Môn “Tài chính học” (năm 2000 là “Lý thuyết tài chính”) và Môn “Thanh tra Tài chính”. Công việc giảng dạy của Bộ môn được mở rộng không chỉ đào tạo các lớp Đại học chính quy, Đại học Tại chức mà còn cả các lớp hệ Hoàn chỉnh kiến thức Đại học, Văn bằng 2. Đặc biệt, từ năm 1996 Bộ môn đã bắt đầu tham gia vào đào tạo bậc sau đại học với môn học “Nguồn lực Tài chính”.
Về nghiên cứu khoa học trong giai đoạn này Bộ môn cũng đã hoàn thành một số đề tài khoa học tiêu biểu như: Đề tài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong quản lý tài chính nhà nước ở nước ta” (cấp trường 1998); Đề tài: “Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành thuế” (cấp trường 1999)…
Với những thuận lợi và thời cơ mới cùng với những đòi hỏi và thách thức mới, lãnh đạo Bộ môn và giáo viên đã kịp thời chớp lấy thời cơ và tận dụng thuận lợi để nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo viên. Số giáo viên có học vị thạc sỹ trở lên chiếm tỷ lệ lớn, thể hiện sự phát triển vượt bậc về chất lượng giáo viên so với thời kỳ trước. Quy mô đào tạo, loại hình đào tạo được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng cao. Công tác nghiên cứu khoa học nhờ đó được duy trì và phát triển.
Giai đoạn này Bộ môn đã tham gia đào tạo các khóa chính quy: từ khóa 29 đến khóa 33; Tại chức và Sau đại học.
- Thời kỳ 2001 – 2008
Đây là thời kỳ an cư lạc nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật của trường sau chuyển thành Học viện đã được hoàn chỉnh và mở rộng thêm do tiếp thu cơ sở của Bộ Tài Chính giao lại. Các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học được bổ sung tương đối đầy đủ. Quan hệ giữa trường (Học viện) với các Trường, các Bộ, các Trung tâm nghiên cứu và các Nước được mở rộng. Điều kiện để tiếp xúc với kho tàng kiến thức của thế giới khá thuận lợi. Nhưng một thách thức lớn đặt ra là kiến thức đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu cao của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, nội dung đào tạo của trường đòi hỏi phải ngang tầm với các nước trong khu vực để thực hiện việc hợp tác và Hội nhập trong đào tạo. Trước tình hình trên Bộ môn đã từng bước chuẩn bị điều kiện và tiếp tục nâng cao trình độ cho các giảng viên với tốc độ nhanh hơn. Đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ và kết quả Bộ môn có 14 giáo viên trong đó có 8 Tiến sỹ; 3 Phó giáo sư; 4 Thạc sỹ; Thầy Dương Đăng Chinh trưởng Bộ môn đến năm 2005; thầy Phạm Ngọc Dũng (Trưởng Bộ môn năm 2006); Cô Nguyễn Thị Chắt (Phó trưởng Bộ môn, nghỉ hưu năm 2008).
NGƯT.PGS,TS. Phạm Ngọc Dũng Trưởng Bộ môn 2006 – 2015 |
TS. Nguyễn Thị Chắt Phó trưởng Bộ môn – (nghỉ hưu 2008) |
Tên Bộ môn giai đoạn này là “Bộ môn Lý thuyết Tài chính”. Từ 2008 thực hiện sát nhập Môn “Lý thuyết Tài chính” với Môn “Lý thuyết tiền tệ” tên Bộ môn là “Bộ môn Tài chính – Tiền tệ”. Bộ môn đảm nhiệm các môn học giảng bậc đại học gồm: Môn “Lý thuyết Tài chính” (nay là Tài chính – Tiền tệ) và Môn” Thanh tra Tài chính”; Giảng dạy bậc sau đại học môn “Nguồn lực tài chính” và từ năm 2002 là môn “Lý thuyết Tài chính”, đến 2007 là môn “Tài chính công”
Về nghiên cứu khoa học trong thời kỳ này bộ môn đã hoàn thành một khối lượng lớn nghiên cứu khoa học, hàng năm viết nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và các kỷ yếu hội thảo khoa học; Chủ nhiệm hoàn thành 01 đề tài cấp bộ, 2đề tài cấp Học viện; Tham gia hoàn thành nhiều đề tài cấp Bộ, Học viện, khoa; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học khoa, Bộ môn, Liên Bộ môn. Tiêu biểu: Đề tài: “Cơ chế chính sách tài chính đối với hệ thống an sinh xã hội”, 2003 (cấp Bộ Tài Chính). Đề tài: “An toàn tài chính quốc gia trong quá trình hội nhập”,2002 (cấp Học viện); Đề tài: “Giải pháp tài chính hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia vào AFTA” 2004 (cấp Học viện). Đề tài: “Nâng cao năng lực quản lý tài chính công ở Trung Quốc và Việt Nam”2004 (Hội thảo quốc tế Việt – Trung); Đề tài: “Cải cách tài chính – Thách thức và cơ hội” 2004 (Hội thảo quốc tế Việt- Pháp)…..
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ
Với xu thế đổi mới và hội nhập của đất nước và sự hoàn thiện về cơ sở vật chất và đào tạo của Học viện, Bộ môn đã có sự phát triển khá nhanh, chất lượng đội ngũ được nâng cao nhanh chóng có khả năng đáp ứng được yêu cầu mới của đào tạo. Bộ môn đã liên tục đổi mới nội dung đào tạo, bắt kịp với đòi hỏi của kinh tế xã hội. Thể hiện qua việc hoàn thiện giáo trình, kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong thực tiễn qua các năm.
- Thời kỳ 2008 – 2015
Học viện chú trọng quan tâm tới điều kiện vật chất phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, việc đầu tư trang thiết bị ngày càng được cải thiện. Quan hệ quốc tế và hội nhập với các nước ngày càng mở rộng, việc liên doanh liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới ngày càng phát triển. Điều đó đòi hỏi hết sức cấp bách phải nâng cao chất lượng đào tạo, mà trước hết là chất lượng của đội ngũ giáo viên dần dần phải ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế. Áp lực đòi hỏi đội ngũ giáo viên của Bộ môn không ngừng học tập tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ.
Lãnh đạo Bộ môn Tài chính tiền tệ
Từ năm 2008, Tên Bộ môn là: “Bộ môn Tài chính – Tiền tệ”. Các môn học đảm nhiệm giảng bậc đại học: Môn “Tài chính – Tiền tệ”; giảng cho đại học chính quy tập trung, Đại học tại chức, Liên thông đại học, Đại học văn bằng 2; Giảng dạy bậc sau Đại học (CH và NCS): Môn học “Tài chính – Tiền tệ” (Chương trình cho Cao học ngành Tài chính – Ngân hàng).
Giáo trình, tài liệu gốc giảng dạy của Bộ môn có giáo trình “Tài chính – Tiền tệ” xuất bản năm 2011; Bài giảng gốc giảng các lớp cao học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng có: “Tài chính – Tiền tệ”.
Bộ môn Tài chính tiền tệ
Họp Công đoàn Khoa Tài chính công
Từ năm 2008, Tên Bộ môn là: “Bộ môn Tài chính – Tiền tệ”. Các môn học đảm nhiệm giảng bậc đại học: Môn “Tài chính – Tiền tệ”; giảng cho đại học chính quy tập trung, Đại học tại chức, Liên thông đại học, Đại học văn bằng 2; Giảng dạy bậc sau Đại học (CH và NCS): Môn học “Tài chính – Tiền tệ” (Chương trình cho Cao học ngành Tài chính – Ngân hàng).
Giáo trình, tài liệu gốc giảng dạy của Bộ môn có giáo trình “Tài chính – Tiền tệ” xuất bản năm 2011; Bài giảng gốc giảng các lớp cao học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng có: “Tài chính – Tiền tệ”.
Đội ngũ giáo viên của Bộ môn giai đoạn này có 13 người trong đó có: 01 Phó giáo sư; 06 Tiến sỹ; 07 Thạc sỹ. Thầy Phạm Ngọc Dũng (Trưởng bộ môn năm 2008 – 2015); Cô Phạm Thị Hằng (Phó trưởng BM từ 2008 nghỉ hưu 2015).
ThS. Phạm Thị Hằng Phó trưởng BM 2008 – 2015, nghỉ hưu 2015 |
Về nghiên cứu khoa học, hàng năm các giảng viên trong bộ môn viết nhiều bài báo, bài hội thảo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, kỷ yếu hội thảo khoa học Khoa, Học viện, Bộ Tài chính. Bình quân khoảng trên 15 bài/năm. Tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, tham gia và chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Học viện, tiêu biểu như: Chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và giải pháp điều hành chính sách lãi suất của NHNN Việt Nam trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (cấp Học viện năm 2013)…; Chủ nhiệm đề tài cấp Học viện: “Giải pháp đảm bảo an toàn tài chính đối với hoạt động đầu tư quốc tế gián tiếp ở Việt Nam”. Năm 2014; “Tham gia đề tài cấp bộ: Giải pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH ở Việt Nam” Năm 2014…; Đề tài: “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”. Năm 2015; Tham gia đề tài cấp Nhà nước: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Tài chính trong ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, Năm 2015.
Hội thảo khoa học
Hội thảo khoa học
Tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ
Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ ở CHDCND Lào
- Thời kỳ 2015 đến nay
Học viện Tài chính ngày càng phát triển và đa dạng hoá các chương trình đào tạo ở mọi hình thức, trình độ, chương trình đào tạo của Học viện Tài chính được xây dựng và thường xuyên được rà soát, bổ sung, điều chỉnh, đổi mới phù hợp gắn với nhu cầu học tập của người học và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo đều có đầy đủ chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra rõ ràng, kế hoạch đào tạo, đa dạng về trình độ và phương thức đào tạo. Ở trình độ đại học Học viện đã mở các lớp đào tạo chất lượng cao cho các chuyên ngành; trình độ sau đại học mở thêm chuyên ngành Quản lý kinh tế (đào tạo trình độ thạc sĩ).
Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngày càng cao Bộ môn TCTT cũng đã nhanh chóng viết bài giảng, chuẩn bị học liệu cho các chuyên ngành mới, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng học, dạy học cho phù hợp với đổi mới phát triển của Học viện, của đất nước.
Chào mừng 20/11 – VP Bộ môn
Giai đoạn này Học viện mở rộng và đưa việc đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp Học viện ngày càng nâng cao được vị thế, thương hiệu trong và ngoài nước. Đây là một áp lực đòi hỏi giáo viên của bộ môn phải ngày càng hoàn thiện bản thân nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nâng cao chất lượng các tài liệu giảng dạy cho sau đại học và cũng là điều kiện để có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế, hội nhập quốc tế đặt ra.
Lễ tốt nghiệp hệ ĐHCQ khóa 52
Hiện tại môn học đảm nhiệm giảng bậc đại học của Bộ môn là: Môn “Tài chính – Tiền tệ”; Giảng dạy bậc sau Đại học: Môn học “Tài chính – Tiền tệ” (Chương trình cho Cao học TCNH); “Quản lý Nhà nước về Tài chính – Tiền tệ” (CH chuyên ngành Quản lý kinh tế từ 2017). Môn “Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ” (Chương trình cho NCS).
Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Đội ngũ giáo viên có 13 người trong đó có: 01 Phó giáo sư; 02 giảng viên cao cấp; 08 Tiến sỹ; 05 Thạc sỹ; Thầy Đỗ Đình Thu (Trưởng Bộ môn từ 2015); Cô Lê Thu Huyền (Phó trưởng Bộ môn 2015 – 2020). Cô Nguyễn Thùy Linh (Phó trưởng Bộ môn từ năm 2021); Cô Nguyễn Thanh Giang (Phó Trưởng Bộ môn từ năm 2021).
TS. Đỗ Đình Thu Trưởng Bộ môn từ 2015 |
TS. Lê Thu Huyền Phó trưởng Bộ môn 2015 – 2020 |
Bổ nhiệm Lãnh đạo Bộ môn năm 2021
Bổ nhiệm Lãnh đạo Bộ môn năm 2021
TS. Nguyễn Thùy Linh Phó trưởng Bộ môn từ 2021 |
TS. Nguyễn Thanh Giang Phó trưởng BM từ 2021 |
Về nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây của BM đã có những bước tiến nhảy vọt. Hàng năm các giảng viên trong bộ môn viết nhiều bài báo, bài hội thảo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, kỷ yếu hội thảo khoa học Khoa, Học viện, Bộ Tài chính, Quốc tế, bình quân khoảng 20bài báo/năm. Tham gia và chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp Học viện (hàng năm chủ nhiệm 4-5 đề tài cấp Học viện), đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, viết sách chuyên khảo, tiêu biểu như: Bài viết Hội thảo quốc tế “The autonomy of public museums as seen from stakeholder theory” Sustainable economic development and business management in the context of globalisation (SEDBM-2021); “Factors influencing the sustainable urbanisation in Vietnam” SEDBM 2021…Chủ nhiệm đề tài: “An toàn nợ công của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay – thực trạng và giải pháp”(ĐT cấp Học viện 2016)…; Chủ nhiệm đề tài: “Đổi mới chi tiêu công đáp ứng nhu cầu dịch vụ công ở Việt Nam”;2017; Phối hợp Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chống suy thoái kinh tế ở Việt Nam” (Đề tài cấp Học viện năm 2017); Chủ nhiệm đề tài: “Chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” 2021….; Chủ nhiệm 03 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam” 2019; Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Đổi mới sắp xếp các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý” năm 2021; Tham gia Đề tài cấp tỉnh” Giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” 2021…
Chủ biên các sách chuyên khảo:….“Thanh toán không dung tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước Việt Nam” năm 2020; “Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở Việt Nam” năm 2022; “Tài chính tiền tệ trong nền kinh tế số” năm 2022
Tham gia Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ
Hội thảo khoa học
Tóm lại, có thể nói trong 60 năm qua Bộ môn Tài chính – Tiền tệ với sự cố giắng nỗ lực không ngừng của tập thể các thầy các cô trong Bộ môn đã và luôn đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong mọi công việc được giao, đặc biệt là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bộ môn cũng đã đóng góp thêm cho bề dày thành tích của khoa Tài chính công nói riêng và Học viện Tài chính nói chung.
- Thành tích phấn đấu của bộ môn và giáo viên trong 60 năm qua
Về thành tích tập thể Bộ môn:
– Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa xuất sắc (giai đoạn 1985 về trước);
– Liên tục đạt danh hiệu Bộ môn tiên tiến xuất sắc (giai đoạn 1986 đến 2008);
– Đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc nhiều năm (trong giai đoạn 2008 đến 2023);
– Được tặng nhiều bằng khen Bộ Tài chính;
– Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1998;
– Được tặng huân chương Lao động hạng 3 năm 2001.
Về thành tích cá nhân giáo viên:
– 01 giáo viên được phong chức danh Giáo sư;
– 04 giáo viên được phong chức danh Phó giáo sư;
– 15 giáo viên có học vị Tiến sỹ, trong đó có 01 là TSKH;
– 05 giáo viên có học vị Thạc sỹ;
– 03 giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú;
– 07 giáo viên được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành tài chính;
– 08 giáo viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
– 04 giáo viên được tặng Huân chương Lao động hạng 3, trong đó có 01 giáo viên được tặng HCLĐ hạng 2;
– 01 giáo viên được tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc.
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành phát triển của Bộ môn Tài chính – Tiền tệ, các thế hệ giảng viên của Bộ môn có thể tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của Bộ môn. Đây cũng là cơ sở, nền tảng cho các thế hệ giảng viên kế tiếp phát huy truyền thống của Bộ môn để có thể tiến bước lên tầm cao mới tương xứng với thời đại mới. Thời đại của hội nhập và phát triển.