Học viện Tài chính đồng hành với các đại học và doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo

Sáng 24/3, Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam” được Ngân hàng Thế giới phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tổ chức tại Hà Nội. Học viện Tài chính (HVTC), Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN) được mời tham gia với tư cách nhóm trường Đại học thuộc Dự án “Các trường đại học tương lai” sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự hiện diện của TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ;

Đại biểu tham gia trực tuyến

Về phía Ngân hàng Thế giới (WB) có sự hiện diện của ông Toby Linden – Giám đốc phụ trách Giáo dục khu vực Đông Á – Thái Bình Dương;

Về phía Học viện Tài chính, có sự tham gia của PGS.,TS.NGƯT. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc HVTC (diễn giả); TS.GVCC. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác quốc tế; PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng ban Quản lý khoa học; TS. Tạ Đình Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp HVTC.

Tham gia với tư cách diễn giả, về phía các trường Đại học và Học viện thuộc nhóm Dự án có: PGS.,TS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.,TS. Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân; GS.,TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Học viện Tài chính, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Toby Libden, Giám đốc phụ trách Giáo dục khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương của WB đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống các trường đại học trong đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ thực tiễn thành công của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đây là đối tượng cần được tập trung đầu tư cho phát triển, nhất là thông qua việc tài trợ và chia sẻ tài nguyên, kiến thức, năng lực. Các trường đại học không chỉ là tác nhân của đổi mới, có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia sở tại và khu vực mà còn đi đầu trong việc phát triển các khu vực đổi mới nói riêng và hệ sinh thái đổi mới nói chung, từ đó thiết lập sự hỗ trợ linh hoạt nhằm kết nối khu vực công – tư. Mặt khác, đây cũng chính là chủ thể đóng vai trò tổ chức điều phối hoạt động của các bên liên quan trong hệ sinh thái, đồng thời cung cấp kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn.

PGS.,TS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu

PGS.,TS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, thúc đẩy ĐMST trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp, kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng đại học thông minh là xu hướng mới tất yếu, phù hợp với bối cảnh phát triển mới của giáo dục đại học trong thời kỳ CMCN 4.0 và là hướng đi bền vững cho các trường đại học tự chủ.

PGS.,TS. NGƯT. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu

Chia sẻ về định hướng tham gia hoạt động ĐMST trong ngành Fintech của Học viện Tài chính, PGS.,TS. NGƯT. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện đã chia sẻ: Trong thời đại công nghệ 4.0, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là hoạt động ĐMST, với sự ra đời của nhiều công ty khởi nghiệp và việc đổi mới các mô hình kinh doanh của các công ty nói chung và lĩnh vực Fintech nói riêng, Học viện Tài chính đang thay đổi nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh mới của nền kinh tế số. Với đặc thù trong đào tạo các ngành/chuyên ngành chủ yếu liên quan đến kinh tế – tài chính, sinh viên Học viện có lợi thế khi tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech. Trong đó, Học viện đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp từ tháng 9/2020. Đây là đơn vị đầu mối để triển khai các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp ĐMST trong nhà trường cũng như phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài. Trong thời gian tới đây, Học viện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về ĐMST trong lĩnh vực Fintech như: Mở các khóa học, tập huấn, hội thảo, tọa đàm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên về khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực Fintech; Tuyên truyền, định hướng sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech để phát huy những kiến thức đã được học đào tạo; Tích cực liên kết với các đối tác doanh nghiệp, đơn vị, quỹ khởi nghiệp ĐMST, nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên; Có những chính sách khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp ĐMST cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đề án khởi nghiệp này có cơ hội phát triển về việc cố vấn, khen thưởng kịp thời, kết nối các quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp; Đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST; Đưa Khởi nghiệp ĐMST vào giảng dạy trong nhà trường là môn học bắt buộc; Hoàn thiện dự án mở rộng Học viện tại Khu đô thị Đại học mở rộng (quy mô 12 héc ta), tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu của Khởi nghiệp ĐMST, tạo lập khu không gian sáng tạo cho giảng viên và sinh viên có môi trường làm việc, sáng tạo; Tích cực tham gia vào hệ sinh thái ĐMST Quốc Gia, từng bước hoàn thiện những thành phần còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Nhà trường (Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, vườn ươm công nghệ, vườn ươm KHCN…)

Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến phát biểu về các vấn đề liên quan về mối quan hệ Chính phủ – doanh nghiệp và trường đại học cũng như vai trò của mỗi bên, thực tiễn hoạt động ĐMST và cả những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ, khắc phục.  Các ý kiến trong Hội thảo đều đồng tình về vai trò quan trọng của trường đại học trong việc kết nối nghiên cứu với doanh nghiệp và chuyển giao kết quả ra thị trường. Mối quan hệ 3 bên giữa Chính phủ – doanh nghiệp và trường đại học được coi là quan hệ cốt lõi của ĐMST nhưng để thúc đẩy ĐMST hiệu quả trong các trường đại học, học viện, cần có các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái này.

 Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện và đối thoại chính sách về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp với một số đối tác giáo dục đại học tiêu biểu. Chuỗi hội thảo hướng đến xác định những trở ngại chính đối với sự tiến bộ của nghiên cứu và cách phối hợp hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục đại học và ngành để thúc đẩy tăng trưởng qua việc ĐMST.    

Hội thảo Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam” là diễn đàn  trao đổi về cơ hội, thách thức, cũng như khuyến nghị/hàm ý chính sách về tạo lập một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa ba bên là Đại học – Chính phủ – Thị trường.