NGƯT.GVCC.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng Khoa TCC
TS. Hà Thị Đoan Trang – Phó Trưởng khoa TCC
Khoa Tài chính công là một khoa chuyên ngành thuộc Học viện Tài chính, Bộ Tài chính. Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển Khoa Tài chính công gắn liền với chặng đường 60 xây dựng và phát triển Học viện Tài chính – một trong những cơ sở giáo dục đại học danh giá, cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH về Kinh tế, Tài chính – Kế toán chất lượng cao cho xã hội ở Việt Nam và trong khu vực. Chặng đường 60 qua, Khoa Tài chính công có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng của đội ngũ, đào tạo và NCKH chuyên ngành đóng góp to lớn vào sự phát triển sự nghiệp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, tài chính – kế toán cho đất nước của Học viện Tài chính.
1. Khái quát hành trình 60 năm xây dựng và phát triển
1.1. Giai đoạn 1963 – 1972: Khoa Ngân sách
Ngày 31/7/1963 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 117/CP thành lập Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán Trung ương trực thuộc Bộ Tài chính; có trụ sở tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội; với cơ cấu tổ chức gồm Phòng TCCB, Phòng Giáo vụ, Phòng hành chính quản trị, Khoa Ngân sách, Khoa Tài chính – Kế toán. Khoa Ngân sách là tiền thân của Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính ngày nay.
Tháng 11/1964 Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán Trung ương được giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngân hàng, cán bộ quản lý và kinh doanh tiền tệ có trình độ đại học. Theo đó, Trường được đổi tên thành Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương. Cơ cấu tổ chức của Trường có sự thay đổi với các khoa chuyên ngành gồm: Khoa Ngân sách, Khoa Tài vụ, Khoa Kế toán, Khoa Ngân hàng.
Tháng 9/1965 chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước trước cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, Khoa Ngân sách sơ tán cùng với Trường lên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Các chuyên ngành đào tạo thuộc Khoa Ngân sách quản lý gồm: (i) Ngân sách nhà nước;(ii) Thu quốc doanh và Thuế; (iii) Cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Lãnh đạo Khoa trong giai đoạn này gồm: Thầy Thái Văn Hòa; Thầy Nguyễn Văn Thụy và Thầy Đỗ Bình Nguyên.
Thầy Thái Văn Hòa – Trưởng Khoa 1965-1972
Thầy Nguyễn Văn Thụy – Phó trưởng Khoa 1965-1972
Thầy Đỗ Bình Nguyên – Phó trưởng khoa 1968-1972
1.2. Giai đoạn 1973 – 1982: Khoa Tài chính
Sau Hiệp định Pari, năm học 1973, Trường chuyển về Thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và cũng trong thời gian này Khoa Ngân sách hợp nhất với Khoa Tài vụ thành Khoa Tài chính. Trong giai đoạn này, ngày 27/10/1976 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 226/CP đổi tên trường từ Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán, Ngân hàng Trung ương thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán trực thuộc Bộ Tài chính.
Khoa Tài chính được giao nhiêm vụ đào tạo tới 07 chuyên ngành: (i) Ngân sách nhà nước; (ii) Thu ngân sách nhà nước; (iii) Cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản; (iv) Tài chính công nghiệp; (v) Tài chính Nông nghiệp; (vi) Tài chính Thương nghiệp; (vii) Tài chính xây dựng cơ bản.
Lãnh đạo Khoa trong giai đoạn này gồm: Thầy Võ Thành Hiệu; Thầy Huỳnh Ngọc Khanh; Thầy Lê Thế Tường và Thầy Bùi Anh Ca.
Thầy Võ Thành Hiệu – Trưởng khoa 1972-1975
Thầy Huỳnh Ngọc Khanh – Phó trưởng khoa 1975-1978
Thầy Lê Thế Tường – Phó trưởng khoa 1978-1981
Thầy Bùi Anh Ca – Phó trưởng khoa 1978-1981
1.3. Giai đoạn 1983 – 1994: Khoa Tài chính ngân sách
Năm 1981 Trường đã xây dựng đề án cải cách chương trình đào tạo, đến năm 1983 được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp xét duyệt cho Trường đào tạo 03 ngành: Tài chính ngân sách, Tài chính xí nghiệp, Kế toán. Theo đó, các khoa chuyên ngành của Trường cũng được tổ chức lại và Khoa Tài chính tách ra thành 02 khoa: Khoa Tài chính ngân sách và Khoa Tài chính ngành.
Trong giai đoạn này, ngày 15/10/1988 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 155-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Bộ Tài chính. Theo đó Trường Đại học Tài chính – Kế toán đổi tên thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội; cơ sở 2 của Trường Đại học Tài chính – Kế toán tại TP. Hồ Chí Minh trở thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1992, lãnh đạo Trường đã quyết định thành lập Bộ môn Thuế trên cơ sở điều chuyển phần lớn giảng viên của Bộ môn Ngân sách nhà nước sang; đồng thời chuyên ngành thu ngân sách nhà nước được đổi tên thành chuyên ngành Thuế.
Năm 1994, Bộ môn Ngân sách nhà nước hợp nhất với Tổ giảng viên Quản lý Kho bạc nhà nước và Tổ giảng viên Cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ môn Tiền tệ tín dụng thuộc Khoa Tài chính ngành và giảng viên thuộc Bộ môn Lý thuyết tài chính hình thành nên Bộ môn Tài chính tổng hợp. Đồng thời, Bộ môn Bảo hiểm được điều chuyển sang Khoa Tài chính ngành.
Các chuyên ngành đào tạo thuộc Khoa quản lý trong giai đoạn này có sự thay đổi nhất định. Giai đoạn 1983 – 1992, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo 04 chuyên ngành gồm: (i) Ngân sách nhà nước; (ii) Thu ngân sách nhà nước; (iv) Bảo hiểm; (v) Quản lý Kho bạc nhà nước. Giai đoạn 1993 – 1994, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo 03 chuyên ngành: (i) Ngân sách nhà nước; (ii) Thuế; (iii) Quản lý Kho bạc nhà nước.
Lãnh đạo Khoa trong giai đoạn này gồm: Thầy Huỳnh Năm; Thầy Lê Văn Ái; Thầy Phạm Ngọc Ánh; Thầy Phan Huynh (1981-1985); Thầy Dương Đăng Chinh; Thầy Nguyễn Sỹ Văn và Thầy Trần Quốc Khánh
Thầy Huỳnh Năm – Trưởng khoa 1981-1984
Thầy Lê Văn Ái – Trưởng khoa 1984-1989
Thầy Phạm Ngọc Ánh – Trưởng khoa 1990-1999
Thầy Dương Đăng Chinh – Phó trưởng khoa 1995-1999
Thầy Trần Quốc Khánh – Phó trưởng khoa 1989-1993
Thầy Nguyễn Sỹ Văn – Phó trưởng khoa 1989-1995
1.4. Giai đoạn 1995 – 2001: Khoa Tài chính nhà nước
Công cuộc đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế của đất nước đã tác động mạnh đến sự hình thành các chuyên ngành mới của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội và theo đó cuối năm 1994 Khoa Tài chính ngân sách được đổi tên thành Khoa Tài chính nhà nước.
Theo Quyết định số 29/QĐ-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1995, Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước thuộc Khoa Tài chính nhà nước được thành lập trên cơ sở giảng viên của Bộ môn Tài chính tổng hợp. Đồng thời, chuyên ngành Quản lý Kho bạc nhà nước được nhập với chuyên ngành Ngân sách nhà nước với tên gọi mới là chuyên ngành Quản lý tài chính nhà nước.
Năm 1998, chuyên ngành Tài chính quốc tế và Bộ môn Tài chính quốc tế thuộc Khoa Tài chính nhà nước được thành lập.
Các chuyên ngành đào tạo thuộc Khoa Tài chính nhà nước trong giai đoạn này bao gồm 03 chuyên ngành: (i) Quản lý tài chính nhà nước; (ii) Thuế; (iii) Tài chính quốc tế.
Lãnh đạo Khoa trong giai đoạn này gồm: Thầy Phạm Ngọc Ánh; Thầy Dương Đăng Chinh; Thầy Đặng Văn Du; Thầy Nguyễn Việt Cường; Thầy Phạm Văn Liên.
Thầy Phạm Ngọc Ánh – Trưởng khoa 1990-1999
Thầy Dương Đăng Chinh
Phó trưởng khoa 1995-1999, Trưởng khoa 2000-2005
Thầy Đặng Văn Du –Phó trưởng khoa 1995-2005
Thầy Nguyễn Việt Cường – Phó trưởng khoa 1998-2001
Thầy Phạm Văn Liên – Phó trưởng khoa 2001-2002
1.5. Giai đoạn 2002 – 2023: Khoa Tài chính công
Ngày 17/8/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 120/QĐ-TTg thành lập Học viện Tài chính trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ – Bộ Tài chính. Theo đó, Khoa Tài chính nhà nước được đổi tên thành Khoa Tài chính công.
Theo Quyết định số 27/QĐ-HVTC, ngày 02/01/2002 của Giám đốc Học viện Tài chính, Khoa Tài chính quốc tế được thành lập; theo đó Bộ môn Tài chính quốc tế và chuyên ngành Tài chính quốc tế được chuyển sang Khoa Tài chính quốc tế từ năm 2002. Theo Quyết định 1237/QĐ-BTC ngày 16/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Khoa Thuế – Hải quan được thành lập; theo đó chuyên ngành Thuế và Bộ môn Thuế được chuyển sang Khoa Thuế – Hải quan từ năm 2003.
Năm 2010, chuyên ngành Phân tích chính sách tài chính và Bộ môn Phân tích chính sách tài chính được thành lập theo Quyết định số 250/QĐ- HVTC về việc phê duyệt đề án mở chuyên ngành Phân tích chính sách tài chính và Quyết định số 733/QĐ-HVTC về việc thành lập Bộ môn Phân tích chính sách tài chính thuộc Khoa Tài chính công.
Năm 2012, chuyên ngành Kế toán công được thành theo Quyết định số 350/QĐ-HVTC ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Giám đốc Học viện Tài chính; theo đó, Bộ môn Quản lý tài chính nhà nước được tách thành 02 bộ môn: Bộ môn Quản lý tài chính công và Bộ môn Kế toán công thuộc Khoa Tài chính công. Khoa Kinh tế được thành lập theo Quyết định số 1865/QĐ-BTC ngày 23/07/2012 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính và Bộ môn Luật thuộc Khoa Tài chính công được chuyển sang Khoa kinh tế năm 2013.
Như vậy, trong giai đoạn này các chuyên ngành đào tạo thuộc Khoa tài chính công quản lý có sự thay đổi nhất định. Giai đoạn 2002 – 2003, Khoa có 03 chuyên ngành đào tạo gồm: (i) Ngân sách nhà nước; (ii) Thuế; (ii)Tài chính quốc tế. Giai đoạn 2004 – 2009, Khoa có 01 chuyên ngành đào tạo: Ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2010 -2023, Khoa có 03 chuyên ngành đào tạo gồm: (i) Quản lý tài chính công; (ii) Phân tích chính sách tài chính; (iii) Kế toán công.
Lãnh đạo Khoa trong giai đoạn này gồm: Thầy Dương Đăng Chinh; Thầy Đặng Văn Du; Cô Nguyễn Thị Liên; Cô Lê Thị Thanh; Thầy Phạm Ngọc Dũng; Thầy Nguyễn Trọng Hòa; Thầy Bùi Tiến Hanh; Cô Hà Thị Đoan Trang; Cô Võ Thị Phương Lan.
Thầy Dương Đăng Chinh – Trưởng khoa 2000-2005
Thầy Đặng Văn Du
Phó trưởng khoa 1995-2005 , Trưởng khoa 2006-2025
Cô Nguyễn Thị Liên – Phó trưởng khoa 2002-2003
Cô Lê Thị Thanh – Phó trưởng khoa 2002-2013
Thầy Phạm Ngọc Dũng
Phó trưởng khoa 2006-2015 , Trưởng khoa 2015-2021
Thầy Nguyễn Trọng Hòa – Phó trưởng khoa 2013-2019
Thầy Bùi Tiến Hanh
Phó trưởng khoa 2015-2022 , Trưởng khoa từ 2023
Cô Hà Thị Đoan Trang – Phó trưởng khoa từ 2022
Cô Võ Thị Phương Lan – Phó trưởng khoa từ 2023
Khái quát 60 năm xây dựng và phát triển của Khoa Tài chính công gắn với các mốc thời gian với các tên gọi khác nhau cho thấy Khoa Tài chính công là một trong những khoa nòng cốt của Học viện Tài chính, được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán Trung ương năm 1963 (nay là Học viện Tài chính) trực thuộc Bộ Tài chính. Từ thuở ban đầu thành lập là một khoa chuyên ngành thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng chỉ có 01 chuyên ngành đào tạo là ngân sách nhà nước, đã là nơi cho sự ra đời và phát triển của 05 chuyên ngành (Chuyên ngành Bảo hiểm thuộc Khoa Ngân hàng – Bảo hiểm; Chuyên ngành Tài chính quốc tế thuộc Khoa Tài chính quốc tế; Chuyên ngành Thuế thuộc Khoa Thuế và Hải quan; Chuyên ngành Phân tích chính tài chính và Chuyên ngành Kế toán công thuộc Khoa Tài chính công) và 02 khoa (Khoa Tài chính quốc tế; Khoa Thuế và Hải quan) của Học viện Tài chính ngày nay.
Những thành quả đáng tự hào đó trong hành trình 60 xây dựng và phát triển của Khoa Tài chính công là tâm huyết và công lao cống hiến của Lãnh đạo nhà trường và các thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa Tài chính công qua các thời kỳ với những tấm gương điển hình như GS.TSKH Trương Mộc Lâm; GS.TS Hồ Xuân Phương; PGS.TS Lê văn Ái; PGS.TS Dương Đăng Chinh; PGS.TS Phạm Ngọc Ánh; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh; PGS.TS Phan Duy Minh; TS. Phạm Văn Khoan; PGS.TS Phạm Văn Liên…
- 2. Khoa Tài chính công hiện nay
2.1. Chức năng và nhiệm vụ
Khoa Tài chính công (tiền thân là Khoa Ngân sách) là một khoa chuyên ngành của Học viện Tài chính (tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính – Kế toán Trung ương) trực thuộc Bộ Tài chính.
Khoa Tài chính công có chức năng đào tạo và NCKH về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính – Kế toán góp phần thực hiện sứ mạng “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH về Kinh tế, Tài chính – Kế toán chất lượng cao cho xã hội” của Học viện Tài chính.
Về đào tạo: Khoa có nhiệm vụ tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học về Kinh tế, Tài chính – Kế toán ở tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo của Học viện tài chính. Ở trình độ đại học, Khoa trực tiếp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ các chuyên ngành: Quản lý tài chính công – Mã số 01; Phân tích chính sách tài chính – Mã số 18; Kế toán công – Mã số 23; đồng thời, tham gia đào tạo các ngành và chuyên ngành khác. Ở trình độ sau đại học, Khoa tham gia vào quá trình đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ các chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng; Kế toán; Quản lý kinh tế của Học viện Tài chính.
Về NCKH: Khoa có nhiệm vụ NCKH lĩnh vực Kinh tế, Tài chính – Kế toán và các lĩnh vực khác có liên quan.
2.2. Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, giảng viên
Đội ngũ giảng viên Khoa TCC tháng 6/2023
STT | Bộ Môn | NGƯT | Học hàm, học vị | Chức danh nghề nghiệp | ||||
PGS | TS | ThS | GVCC | GVC | GV | |||
1 | Tài chính Tiền tệ | 01 | 01 | 09 | 06 | 02 | 09 | 04 |
2 | Quản lý tài chính công | 03 | 03 | 10 | 02 | 04 | 04 | 04 |
3 | Phân tích chính sách tài chính | 01 | 05 | 01 | 01 | 02 | 03 | |
4 | Kế toán công | 02 | 04 | 11 | 01 | 04 | 06 | 02 |
Cộng | 06 | 09 | 35 | 10 | 11 | 21 | 13 |
Cơ cấu tổ chức của Khoa gồm 04 Bộ môn và Văn phòng khoa. Các Bộ môn của Khoa gồm: Bộ môn Tài chính – Tiền tệ có 15 giảng viên, trong đó có 13 giảng viêncơ hữu; Bộ môn Quản lý tài chính công có 12 giảng viên, trong đó có 08 giảng viên cơ hữu; Bộ môn Phân tích chính sách tài chính có 06 giảng viên; Bộ môn Kế toán công có 12 giảng viên, trong đó có 07 giảng viên cơ hữu.
Khoa có 37 CBVC, trong đó có 35 giảng viên cơ hữu và 02 cán bộ văn phòng khoa. Ngoài giảng viên cơ hữu, Khoa còn có 08 giảng viên kiêm chức, 02 giảng viên hợp đồng lao động chuyên môn toàn thời gian và một số giảng viên thỉnh giảng. Như vậy, đội ngũ giảng viên của Khoa kể cả giảng viên kiêm chức và giảng viên hợp đồng lao động chuyên môn toàn thời gian là 45 giảng viên.
2.3. Các chuyên ngành và quy mô đào tạo
Đối với đào tạo đại học, Khoa Tài chính công có 03 chuyên ngành: Quản lý tài chính công – Mã số 01, thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng; Phân tích chính sách tài chính – Mã số 18, thuộc ngành Tài chính – Ngân Hàng; Kế toán công – Mã số 23, thuộc ngành Kế toán. Tổng số sinh viên các chuyên ngành đào tạo ở trình độ đại học thuộc Khoa quản lý năm học 2022 – 2023 với 04 khóa CQ57, CQ58, CQ59 và CQ60 hiện nay có trên 1.000 sinh viên đại học chính quy.
Khoa Tài chính công gặp mặt sinh viên CQ59 và CQ60, tháng 10/2022
Đối với đào tạo sau đại học, giảng viên Khoa Tài chính công đảm nhận biên soạn tài liệu và giảng dạy một số học phần thuộc Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ và Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Tài chính, như các học phần: i) Quản lý tài chính công; Lý thuyết tài chính tiền tệ; Quản trị tài chính đơn vị cung cấp dịch vụ công; Kế toán đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và Chuyên ngành Kế toán; ii) Tài chính tiền tệ; Quản lý nhà nước về tài chính – tiền tệ; Quản lý tài chính công; Quản lý tài sản công; Quản trị tài chính đơn vị cung cấp dịch vụ công; Quản lý dự án đầu tư; Phân tích chính sách tài chính; Luật kế toán và chuẩn mực kế toán công; Kế toán đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Chuyên ngành Tài chính – Ngân Hàng, Chuyên ngành Quản lý kinh tế và Chuyên ngành Kế toán. Tính đến năm 2023, giảng viên của Khoa đã hướng dẫn hàng trăm học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ kinh tế; các Bộ môn thuộc Khoa tham gia quản lý sinh hoạt chuyên môn, hướng dẫn gần 100 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kinh tế. Hàng năm và thường xuyên có trên 30 NCS tham gia sinh hoạt chuyên môn tại các Bộ môn thuộc Khoa.
Gặp mặt và trao đổi chuyên môn với NCS ngày 17/11/2020
2.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Hiện nay hoạt động NCKH trong cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Tài chính công rất đa dạng và phong phú. Các hoạt động NCKH trong cán bộ giảng viên như: i) Tổ chức hội thảo khoa học trong cán bộ giảng viên và tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, hội thảo cấp Học viện; ii) Chủ trì và tham gia nhiệm vụ NCKH các cấp như cấp nhà nước, cấp bộ và tương đương, cấp học viện; iii) Chủ trì và tham gia thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu phục vụ đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sỹ như giáo trình, bài giảng gốc, đề cương bài giảng, sách hướng dẫn, sách bài tập, sách tham khảo và sách chuyên khảo; iv) Viết các bài báo đăng tạp chí trong nước và quốc tế. Các hoạt động NCKH trong sinh viên như: i) Tổ chức hội thảo khoa học trong sinh viên thường niên hằng năm; ii) Tổ chức festival về tài chính công; iii) Tổ chức NCKH sinh viên dự thi cấp khoa và lựa chọn các công trình NCKH sinh viên gửi dự thi cấp Học viện…
Hội thảo cán bộ giảng viên Khoa Tài chính công tháng 9/2022
Hội thảo khoa học sinh viên Khoa Tài chính công tháng 5/2023
3. Định hướng và giải pháp phát triển Khoa Tài chính công đến năm 2030
Việt Nam đang trên con đường đổi mới phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là tiến trình cải cách tài chính công đang diễn ra mạnh mẽ theo các chuẩn quốc tế, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học theo hướng tự chủ đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, triển vọng và cũng không ít những thách thức cho sự phát triển của Khoa Tài chính công. Trong bối cảnh đó, gắn với Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, định hướng và nhiệm vụ chủ yếu phát triển Khoa Tài chính công đến năm 2030 cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục và bồi dưỡng bản lĩnh, lập trường chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên; giữ vững sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, đồng hành và cùng chia sẻ trong thực hiện mọi nhiệm vụ công tác.
Các giải pháp chủ yếu: i) Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền và quán triệt kịp thời tới toàn thể cán bộ, viên chức các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; ii) Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Khoa, Bộ môn và các tổ chức đoàn thể thuộc Khoa; iii) Đề cao kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm của mọi cán bộ, giảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ công tác; iv) Thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; v) Xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ viên chức và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Thứ hai, tiếp tục củng cố và kiện toàn các Bộ môn, các tổ chức đoàn thể và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có tâm và đủ tầm đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, NCKH, quản lý sinh viên và các nhiệm vụ công tác khác.
Các giải pháp chủ yếu: i) Thực hiện rà soát và xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên về trình độ, học vị, học hàm và chức danh nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Khoa, các Bộ môn và các tổ chức đoàn thể trong khoa; ii) Thường xuyên động viên, tạo điều kiện và đôn đốc cán bộ, giảng viên trong thực hiện lộ trình quy hoạch về trình độ, học vị, học hàm và chức danh nghề nghiệp; iii) Chủ động đề xuất kiện toàn cán bộ lãnh đạo các Bộ môn theo yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của các Bộ môn; iv) Chủ động giới thiệu, đề xuất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và nhu cầu tuyển dụng cán bộ, giảng viên phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng và các nhiệm vụ công tác của Khoa, các Bộ môn và các tổ chức đoàn thể.
Thứ ba, nâng cao chất lượng – uy tín và hiện đại trong đào tạo với phương thức đào tạo lấy người học làm trung tâm nhằm ổn định và mở rộng quy mô đào tạo các chuyên ngành thuộc khoa phù hợp với Chiến lược phát triển của Học viện.
Các giải pháp chủ yếu: i) Các Bộ môn thường xuyên rà soát, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo và nội dung các học phần nhằm bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn và hiện đại đáp ứng yêu cầu mới của xã hội trong môi trường hội nhập, sự thay đổi mô hình tăng trưởng của đất nước và cuộc cách mạng chuyển đổi số; ii) Tăng cường sinh hoạt trao đổi, tạo đảm chuyên môn trong các Bộ môn và giữa các Bộ môn về các vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn của các học phần do các Bộ môn đảm nhận; iii) Đổi mới và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phù hợp với nội dung và thời lượng của từng học phần, trên nền tảng số theo Chiến lược phát triển của Học viện; iv) Tiếp tục cải tiến các hình thức đánh giá kết quả học tập phù hợp với nội dung các học phần, trình độ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài lòng của người học.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động NCKH theo hướng phục vụ đào tạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn thuộc lĩnh vực tài chính – kế toán công nói riêng và lĩnh vực kinh tế, tài chính – kế toán nói chung.
Các giải pháp chủ yếu: i) Đẩy mạnh công tác NCKH phục vụ đào tạo theo xây dựng hệ thống học liệu có chất lượng cao, đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học ở trình độ đào tạo đại học và sau đại học như giáo trình, bài giảng gốc, sách hướng dẫn, sách bài tập, sách tham khảo, sách chuyên khảo…; ii) Chú trọng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động NCKH trong sinh viên nhằm đáp ứng tốt nhất chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, thúc đẩy tính liên thông giữa đào tạo trình độ đại học và thu hút sinh viên tiếp tục theo học các chương trình đào tạo sau đại học; iii) Chủ động và tích cực chủ trì và tham gia các hoạt động NCKH phục vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách của Nhà nước, của ngành về lĩnh vực tài chính – kế toán công nói riêng và lĩnh vực kinh tế, tài chính – kế toán nói chung; iv) Giao nhiệm vụ, động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên thực hiện các hoạt động NCKH theo hướng công bố quốc tế, hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia; các hoạt động NCKH có tính ứng dụng cao trong thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương…
Thứ năm, mở rộng các quan hệ hợp tác với bên ngoài Học viện để trau rồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho can bộ giảng viên, phát triển cung ứng dịch vụ đào tạo, NCKH và các dịch vụ chuyên môn khác đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển của Khoa Tài chính công không phải là ngắn và cũng chưa phải là dài, có nhiều cơ hội và cũng có không ít thách thức, nhưng với sự đoàn kết, tâm huyết và cống hiến hết mình của các thế hệ cán bộ, giảng viên đã khẳng định sự phát triển và những đóng góp nhất định của Khoa Tài chính công trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện Tài chính. Thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Tài chính công ngày hôm nay xin bày tỏ lòng biết hơn tâm huyết và công lao to lớn của cán bộ và giảng viên các thế hệ tiền bối, cựu sinh viên, học viên và NCS; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Lãnh đạo Học viện Tài chính (tiền thân là Trường cán bộ Tài chính – Ngân Hàng Trung ương) các thế hệ; sự chia sẻ, giúp đỡ, đồng hành của các Ban, Khoa và các đơn vị trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của Khoa Tài chính công (tiền thân là Khoa Ngân sách, Trường cán bộ Tài chính – Ngân Hàng Trung ương).
Hành trình phát triển tiếp theo gắn với Chiến lược phát triển của Học viện Tài chính giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, có nhiều cơ hội và thách thức, Khoa Tài chính công sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng tâm và hợp lực nắm lấy mọi cơ hội và vượt qua mọi thách thức; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, Hội đồng Trường và Ban Giám đốc Học viện Tài chính; sự giúp đỡ, chia sẻ, cùng đồng hành của các Ban, Khoa và các đơn vị; sự ủng hộ, động viên, khích lệ của các thế hệ cựu cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên và NCS… để Khoa Tài chính công ngày càng phát triển vững mạnh hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐTHVTC ngày 16/2/2022 của Hội đồng Trường Học viện Tài chính.
- Quyết định số 177/CP thành lập Trường Cán bộ Tài chính kế toán Trung ương trực thuộc Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963, của Hội đồng Chính phủ.
- Quyết định số 29/QĐ-TCCB ngày 31/10/1995 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội.
- Kỷ yếu Hội thảo Học viện Tài chính 55 năm xây dựng và phát triển, NXB Tài chính, năm 2018.
- Kỷ yếu Khoa Tài chính công 55 năm một hành trình, năm 2018.